MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phòng chống COVID-19: Công nhân ăn tại phòng, không nhậu nhẹt

Hà Anh – Bảo Hân LDO | 09/05/2021 16:05

Để phòng chống COVID-19, đảm bảo an toàn cho bản thân, nhiều công nhân khu công nghiệp Yên Phong (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đã thay đổi thói quen sinh hoạt của mình. Nhiều người trước đây hay ăn uống với bạn bè, thì hiện giờ lịch trình chủ yếu là công ty và nhà trọ.

Nằm sát bên Công ty Samsung, bình thường, thôn Ô Cách, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh luôn đông đúc công nhân, hoạt động buôn bán diễn ra rất sôi động.

Nhưng vào trưa chủ nhật (9.5), có mặt tại nơi đây, phóng viên Báo Lao Động chứng kiến khung cảnh khá im ắng, bình lặng. Nhiều quán ăn, quán nhậu tại đây đã tạm đóng cửa để phòng chống COVID-19; có quán vẫn mở nhưng chỉ bán mang về nhà. Một số công nhân đang mua các suất cơm hộp để mang về nhà; những công nhân khác thì mua thực phẩm tại hàng quán lề đường.

Ông Trương Văn Chiến, chủ nhà hàng 79 cho biết, cửa hàng của ông chủ yếu phục vụ công nhân. “Trước đây, nhất là thứ 5, 6 hàng tuần, rất đông công nhân ra quán để nhậu, nhưng 4-5 ngày nay, từ sự vận động của chính quyền xã, tôi đã tạm thời đóng cửa"- ông Chiến cho hay. Ảnh: Bảo Hân
Cửa hàng lẩu nướng này cũng tạm thời đóng cửa kinh doanh. Ảnh: Bảo Hân
Quán ăn bình dân của ông Hoàng Đắc Chi vẫn mở cửa nhưng chỉ phục vụ cho khách mang đồ về. Ông Chi cho hay, khách của quán chủ yếu là công nhân, nhưng thời gian này, lượng khách giảm chỉ còn 1 nửa so với trước. Ảnh: Bảo Hân
Một cửa hàng dán thông báo tạm dừng kinh doanh. Ảnh: Bảo Hân

Tại một quán ăn bình dân, chúng tôi bắt gặp anh Nguyễn Hữu Hai (25 tuổi, công nhân Công ty Samsung) mua một suất cơm 25.000 đồng, cho vào hộp xốp, sau đó, mang về phòng trọ để dùng bữa trưa. Mặc dù có bếp, nhưng do ở một mình, ngại tự nấu cơm, anh Hai thường mua suất ăn ở ngoài quán vì thấy tiện lợi hơn. Khi chưa có dịch, anh ăn ngay tại quán, còn khi dịch diễn biến phức tạp thời gian gần đây, anh mang về, ăn ở phòng trọ.

Anh Nguyễn Hữu Hai mua cơm hộp mang về phòng trọ. Ảnh: Bảo Hân
Anh phải đi bộ khá lâu vì phòng trọ cách cửa hàng ăn khá xa. Ảnh: Bảo Hân

Cũng giống như anh Hai, chị Nông Thị Thế (sinh năm 1993, công nhân Công ty Samsung) cũng mua suất cơm hộp (25.000 đồng/suất) mang về phòng trọ dùng cho bữa trưa.

Chị Nông Thị Thế dùng bữa trưa là một suất cơm hộp 25.000 đồng trong phòng trọ của mình. Ảnh: Bảo Hân
Suất cơm hộp của chị Thế. Ảnh: Bảo Hân

“Tôi không tự nấu ăn. Thường thì tôi hay ngồi ăn ở quán, nhưng thời gian này, tôi mang cơm về phòng trọ. Dịch diễn biến phức tạp như này nên cẩn thận là trên hết, hơn nữa, các quán cơm khu này hiện không cho khách ngồi ở quán mà cho khách mang về”- chị Thế cho hay. Vừa qua, chị cũng mua thêm một hộp khẩu trang y tế để đeo mỗi khi ra ngoài.

Chị Thế đang trọ một mình, còn chồng và 2 con đang ở Bắc Giang. Trước đây, mỗi tháng chị về quê 1-2 lần để thăm chồng con, còn hiện giờ, trước diễn biến mới của dịch COVID-19, chị dự định sắp tới sẽ tạm thời không về quê nữa để đảm bảo an toàn cho mình, người thân, chờ khi nào dịch “ổn ổn” rồi mới về.

Không chỉ công nhân sống một mình, các cặp vợ chồng công nhân cũng phải thay đổi nhiều thói quen, sinh hoạt để phòng dịch. Vợ chồng anh Vũ Ngọc Tiến (Công ty Vitalink) đang thuê trọ tại thôn Ô Cách, còn cháu nhỏ gần 2 tuổi đang được gửi về quê để ông bà chăm giúp. Quê ở Bắc Giang, nên trước đây, cuối mỗi tuần anh chị đều về quê thăm con nhỏ một lần; còn 3 tuần gần đây, do dịch COVID-19, nên anh chị đành ở lại phòng trọ, chưa về được thăm con.

Anh Vũ Ngọc Tiến trước cửa phòng trọ của 2 vợ chồng. Ảnh: Bảo Hân

This browser does not support the video element.

Video: Anh Vũ Ngọc Tiến cho biết, vì dịch COVID-19, thời gian này, vợ chồng anh chưa thể về quê thăm con. Thực hiện: Bảo Hân - Hà Anh

Gần khu trọ do nhà dân xây cho công nhân là ký túc xá công nhân của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Bắc Ninh. Cuộc sống của công nhân tại khu ký túc cũng phải thay đổi trước diễn biến mới của dịch COVID-19.

Theo quan sát của phóng viên, nhiều công nhân mua đồ tại quán cơm bình dân và gọi đồ ăn từ nơi khác về để mang vào ký túc xá ăn. Trước khi đem đồ ăn qua cổng ký túc xá, lượng lượng bảo vệ kiểm soát, yêu cầu công nhân phải đeo khẩu trang và đo thân nhiệt.

Chị Nguyễn Thị Hoa (quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cũng là công nhân đang ở Ký túc xá SEV cho biết, hàng ngày chị cùng đồng nghiệp ăn trưa tại Công ty, hôm nay (chủ nhật) không đi làm nên bữa trưa chị và bạn cùng phòng ra ngoài ăn cơm bình dân.

Công nhân Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Bắc Ninh mua cơm hộp để ăn trong ký túc xá. Ảnh: Hà Anh
Một nữ công nhân mua cơm hộp vào trong ký túc xá. Ảnh: Hà Anh

“Khi chúng tôi đến quán cơm quen thường ăn, thì chủ quán thông báo là không bán cho người ăn tại chỗ, chỉ bán cho người mang về, giá 25.000 đồng/suất, không tính tiền hộp đựng cơm, thức ăn, nước canh… Thấy hợp lý nên chúng tôi mua về ăn ở ký túc xá, vừa đảm bảo chống dịch COVID-19, vừa mát. Ăn xong lại vào mạng wifi phát miễn phí ở ký túc xá để giải trí” - nói qua lớp khẩu trang, chị Hoa cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn