MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân ngành Dệt may Việt Nam sử dụng phòng vắt, trữ sữa. Ảnh: Công đoàn Dệt may Việt Nam

Phòng vắt, trữ sữa mẹ giúp nữ công nhân yên tâm làm việc

Linh Nguyên LDO | 07/03/2023 10:53

Hà Nội – Với số lượng đoàn viên nữ chiếm trên 70% tổng số đoàn viên Công đoàn (trên 77.600 người), Công đoàn Dệt may Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo thiết thực, hiệu quả cho chị em. Trong đó có nâng cao hiệu quả phòng vắt, trữ sữa mẹ tại doanh nghiệp.

Hiện nay, hệ thống Dệt may Việt Nam có 21 doanh nghiệp sử dụng từ 500 - 1.000 lao động nữ; 22 doanh nghiệp có từ 1.000 lao động nữ trở lên.

Từ sự quan tâm, chăm lo cho lao động nữ của Công đoàn cũng như doanh nghiệp, đã có 20 doanh nghiệp lắp đặt được 34 phòng vắt trữ sữa mẹ đạt tiêu chuẩn.

Trong đó có Tổng Công ty CP Dệt may Hà Nội lắp đặt 1 phòng, Tổng Công ty CP Phong Phú lắp đặt 1 phòng, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ lắp đặt 2 phòng, Tổng Công ty May Việt Tiến lắp đặt 6 phòng, Công ty Dệt kim Đông Xuân lắt đặt 2 phòng...

Do đặc thù làm ca kíp nên nhiều lao động nữ đang nuôi con nhỏ không thể tranh thủ giờ nghỉ trưa, giờ nghỉ sớm theo quy định để về cho con bú. Vì vậy việc tổ chức các phòng vắt, trữ sữa tại doanh nghiệp đã tạo điều kiện tốt nhất cho các nữ công nhân lao động nuôi con bằng sữa mẹ, qua đó giúp chị em yên tâm làm việc.

Đối với những đơn vị khác chưa trang bị được phòng vắt, trữ sữa độc lập thì việc tuyên truyền, vận động nữ công nhân lao động đang nuôi con nhỏ tự trang bị máy hút, bình trữ sữa cá nhân được chú trọng.

Về phía doanh nghiệp đã trang bị các thiết bị thiết yếu như tủ lạnh, điều hòa, bồn rửa tay, sách hướng dẫn… tại phòng Y tế của doanh nghiệp. Cán bộ y tế hướng dẫn nữ công nhân lao động khi có nhu cầu vắt và bảo quản nguồn sữa sạch.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho lao động nữ được nuôi con bằng sữa mẹ, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã có hướng dẫn các Công đoàn cơ sở phối hợp cùng chuyên môn triển khai thực hiện chương trình "Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ". 

Hoạt động này mang lại kết quả tốt, được doanh nghiệp và người lao động đánh giá cao vì đã góp phần giảm nguy cơ bệnh tật cho cả mẹ và con, nhờ đó lao động nữ có sức khỏe và tinh thần tốt để làm việc, hiệu quả và năng suất cao hơn.

Ngoài các phòng vắt, trữ sữa ở những nơi đã lắp đặt, 100% doanh nghiệp có cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người lao động với đội ngũ cán bộ có trình độ sẽ tư vấn, hỗ trợ người lao động cách sử dụng phòng vắt trữ sữa.

Về phía chuyên môn cũng đầu tư và tạo điều kiện về thời gian cho lao động nữ sử dụng thiết chế này bất kỳ thời gian nào trong ngày khi lao động nữ có nhu cầu...

Việc lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại doanh nghiệp luôn được các cấp Công đoàn Dệt may Việt Nam quan tâm, triển khai. Bởi, tại Khoản 5, Điều 80 của Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định "Khuyến khích các doanh nghiệp lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao đông nữ và khả năng của người sử dụng lao động.

Đối với các doanh nghiệp có từ 1.000 lao động nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc". Hơn thế, hoạt động này còn thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Công đoàn đối với lao động nữ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn