MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phụ nữ ở Quảng Nam tiết kiểm tham gia bảo hiểm hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh: Lê Diễm

Phụ nữ tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện vì cuộc sống an nhàn tuổi già

Thanh Chung LDO | 30/12/2021 11:23

Quảng Nam -  “Phụ nữ tiết kiệm để tham gia BHXH tự nguyện - vì cuộc sống an nhàn lúc tuổi già” là mô hình tạo điều kiện cho nhiều người dân vùng nông thôn ở Quảng Nam tham gia khi có nhiều chính sách hỗ trợ.

“Phụ nữ tiết kiệm để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện - vì cuộc sống an nhàn lúc tuổi già” là mô hình mới trong vận động hội viên tham gia BHXH tự nguyện của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước, Quảng Nam.

Bà Trịnh Thị Thúy Liễu - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước cho biết, lúc đầu hội triển khai mô hình này để những người có điều kiện được tiệm cận và tham gia chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, đồng thời giúp chị em khác thực hiện tiết kiệm để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo bà Liễu, mô hình “Phụ nữ tiết kiệm để tham gia BHXH tự nguyện - vì cuộc sống an nhàn lúc tuổi già”, được thành lập từ tháng 8.2021. Khi ra mắt mô hình mới này, các thành viên đã được tuyên truyền, giải thích cụ thể về việc tham gia BHXH tự nguyện và những tiện ích, nhất là với phụ nữ vùng nông thôn, đây là cách tiết kiệm hiệu quả, giúp họ có lương hưu khi hết tuổi lao động.

Đặc biệt, hội viên tham gia mô hình nếu là trường hợp lần đầu tham gia chế độ BHXH tự nguyện sẽ được quỹ Hội Phụ nữ xã Tiên Hà hỗ trợ 12% phí tham gia chế độ BHXH tự nguyện (tối đa là 12 tháng đóng chi phí BHXH tự nguyện). Các thành viên còn vận động được 3 người thân tham gia BHXH tự nguyện.

Chị Nguyễn Thị Lê (xã Tiên Hà) cho hay, cuộc sống ở vùng nông thôn thì rất là khó khăn nên chưa nghĩ đến việc tham gia. Đặc biệt, nhất là đến hạn đóng lại không có tiền đóng thì thêm nợ nần nhưng được sự vận động của các chị em phụ nữ trong chi bộ nên chị đã tham gia.

“Nhận thấy việc đóng bảo hiểm xã hội rất có lợi, đặc biệt khi tham gia mô hình này, tôi có thể đóng bằng nhiều hình thức như đóng theo tháng, quý hoặc dư dả thì đóng 6 tháng, 1 năm rất thuận lợi. Sau này có lương hưu, rồi có cả thẻ BHYT nữa cũng đỡ được phần nào gánh nặng về già. Chứ ở nông thôn đến tuổi xế chiều phải dựa dẫm con cái quá nhiều cũng khổ cho cháu” – chị Lê nói.

Bà Trịnh Thị Thúy Liễu - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tiên Hà cho hay, về lâu dài, để hỗ trợ chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn hơn cùng tham gia chính sách BHXH tự nguyện, Hội sẽ tính toán đến việc thực hiện mô hình tiết kiệm hỗ trợ chị em khó khăn. Những hội viên có điều kiện hơn, đã tham gia chính sách BHXH tự nguyện sẽ được vận động đóng góp nguồn quỹ. Từ kinh phí này sẽ cho chị em khó khăn hơn mượn để tham gia chính sách trong lần đóng kinh phí đầu tiên, sau trả lại quỹ để hoàn trả người đã cho mượn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn