MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bữa ăn đơn sơ của công nhân xóm trọ ở Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa (Long An). Ảnh: Đ.V

Quá khó khăn, nhiều lao động không thể về quê đón Tết

Đức Văn LDO | 29/11/2021 15:30
Nhiều công nhân, lao động tại tỉnh Long An không ngần ngại chia sẻ: “Dịch bệnh kéo dài thời gian qua, ngay cả tiền nhà trọ, điện nước cũng không xoay xở được, thì nghĩ gì đến Tết”.

Không nghĩ đến khoản thưởng Tết

Chị Nguyễn Thị Hường, công nhân Công ty TNHH MTV IS ViNa (huyện Đức Hòa) tâm sự: “Em mới đi làm lại được chưa đầy 1 tháng nay. Nói chung vừa mừng vừa lo. Mừng vì sẽ có thu nhập trang trải cuộc sống, lo vì nguy cơ nhiễm dịch bệnh hiện vẫn tiềm ẩn dù bản thân đã được chích 2 mũi vaccine. Còn chuyện Tết này thế nào ư? Nói thật là bây giờ em cũng chưa nghĩ tới”.

Anh Nguyễn Văn Lý, quê ở Quảng Nam, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thuận Đạo (huyện Bến Lức) chia sẻ, mấy tháng liền nghỉ dịch nên anh không có thu nhập, cũng may được chủ nhà trọ miễn cho 2 tháng nhà trọ. Dự định Tết 2022 này anh sẽ về quê đoàn tụ với gia đình, nhưng tình hình khó khăn do dịch nên anh cũng đang suy nghĩ, cân nhắc.

“Tôi cũng rất mong mỏi, Tết này công ty sẽ có chính sách hỗ trợ, thưởng Tết cho công nhân. Nhưng với tình hình khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh thì tôi cũng không kỳ vọng nhiều. Khả năng năm nay tôi sẽ tiếp tục không về quê ăn Tết” - anh Lý thở dài.

Đó cũng là tình cảnh chung của nhiều công nhân xa quê đang làm việc ở địa phương có số ca mắc COVID-19 cao nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện nay, dù tình hình dịch bệnh ở Long An đã được kiểm soát, các nhà máy, xí nghiệp đã hoạt động trở lại, công nhân vui mừng vì có việc làm, nhưng cũng canh cánh nỗi lo khi dịch COVID-19 vẫn luôn tiềm ẩn một cách khó lường.

Thời điểm cuối năm, Tết Nguyên đán Nhâm Dần kề cận, câu hỏi Tết này sẽ ra sao, về quê đoàn viên với gia đình hay ở lại nơi tạm trú, năm nay không biết lương, thưởng thế nào?... là nỗi trăn trở của nhiều người lao động, nhất là với những người xa quê.

Chủ động chăm lo đoàn viên, NLĐ

Năm 2021 là một năm tất bật của các cấp Công đoàn ở Long An khi đây là địa phương có tình hình dịch COVID-19 phức tạp nhất khu vực ĐBSCL. Trước đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, Long An có khoảng 13.483 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với khoảng 370.000 lao động. Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tỉnh chỉ còn khoảng 1.500 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có khoảng 800 doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” với hơn 42.000 lao động. 

Đồng hành với công nhân, người lao động, Công đoàn các cấp trong tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình, hoạt động và sử dụng kinh phí công đoàn, ngân sách và vận động các nguồn xã hội hóa chăm lo cho người dân. Đến nay, đã hỗ trợ đoàn viên, người lao động gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh với tổng giá trị tính ra tiền là hơn 120 tỉ đồng.  

Đặc biệt, từ giữa tháng 9.2021, tỉnh Long An đã xác định thích ứng an toàn với dịch bệnh nên đến nay đa số các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại với trạng thái bình thường mới. Để người lao động trở lại nhà máy, xí nghiệp làm việc, Công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đồng thời cũng đề xuất doanh nghiệp có các cơ chế, chính sách để giữ chân, thu hút người lao động. Mặt khác kịp thời nắm bắt tâm tư tình cảm và tham gia giải quyết, hỗ trợ công nhân, lao động bảo vệ các quyền lợi theo đúng quy định của pháp luật.

Từ giữa tháng 11.2021, LĐLĐ tỉnh Long An đã xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai, tổ chức các hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán 2022 cho công nhân, người lao động với chủ đề  “Tết Sum vầy - Xuân Bình an” với phương châm “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”. 

Theo bà Lê Thị Thu Cúc - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh - kế hoạch đã được triển khai đến Công đoàn các cấp để quan tâm thực hiện. Trong đó ưu tiên hỗ trợ đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng dịch COVID-19, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo; đoàn viên, NLĐ thuộc đối tượng gia đình chính sách hoặc nhiều năm chưa có điều kiện về quê sum họp với gia đình trong dịp Tết Nguyên đán; đoàn viên, NLĐ không về quê đón Tết.

Mặt khác, ngay từ thời điểm này, Công đoàn các cấp chủ động tham gia với các cơ quan chức năng nắm tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết; kịp thời phát hiện và có các giải pháp đảm bảo quyền lợi của NLĐ ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời, tăng cường các hoạt động đối thoại, thương lượng các nội dung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ trong dịp Tết. Các cấp Công đoàn cũng chủ động nắm số lượng công nhân, NLĐ có nhu cầu về quê nghỉ Tết để qua đó xem xét thực hiện, tổ chức các hình thức hỗ trợ đưa NLĐ về quê ăn Tết đảm bảo đúng đối tượng, chu đáo, an toàn.

Bà Trần Thị Hằng - Giám đốc Công ty Kachi-H đóng tại TP.Tân An - cho biết, sau thời gian ngưng hoạt động do dịch, đã hoạt động bình thường trở lại hơn 1 tháng nay. Tất cả công nhân đều đã được tiêm ngừa vaccine đầy đủ. Những lô hàng sản xuất ra cũng được cung cấp ra thị trường, bước đầu có nguồn thu trở lại. Còn hơn 2 tháng đến Tết Nguyên đán 2022, mặc dù công ty cũng đang khá khó khăn nhưng ngay từ bây giờ, chúng tôi bắt đầu suy nghĩ đến việc chăm lo Tết cho công nhân. Bản thân tôi cũng thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt hoàn cảnh của công nhân để có những động viên, hỗ trợ kịp thời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn