MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạo Công đoàn ngành Công Thương tỉnh Đắk Lắk tặng quà cho công nhân lao động tại một doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Bảo Trung

Quan hệ lao động ổn định nhờ thỏa ước lao động tập thể

BẢO TRUNG LDO | 31/03/2023 11:10
Trong nhiều năm qua, Công đoàn ngành Công Thương tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực nâng cao chất lượng cán bộ Công đoàn ở các đơn vị trực thuộc, xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa chủ sử dụng lao động và công nhân đang làm việc tại đơn vị. Qua đó, đảm bảo chế độ tiền lương, phúc lợi cho người lao động, hạn chế tối đa việc xảy ra các vụ tranh chấp, kiện tụng...

Thỏa ước lao động tập thể là “cam kết mềm”

Theo Công đoàn ngành Công Thương tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2023, công đoàn cơ sở (CĐCS) tại các doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT). Đến nay, toàn ngành đã có 35/40 đơn vị ký kết TƯLĐTT, đạt tỉ lệ 87,5%.

Các bản TƯLĐTT đã ký kết đã có nhiều nội dung có lợi hơn cho đoàn viên, người lao động như: Tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm thân thể, ăn giữa ca, thực hiện chính sách bình đẳng giới, tổ chức tham quan nghỉ mát, hiếu, hỉ... Qua đó, góp phần chăm lo, đảm bảo quyền lợi của người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, Công đoàn ngành còn tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa chủ doanh nghiệp và người lao động để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng công nhân. Đơn vị rà soát TƯLĐTT, đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động cam kết để người lao động có “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn”; nâng giá trị bữa ăn ca của công nhân lao động ở các doanh nghiệp phải từ 18.000 đồng trở lên và tất cả các đơn vị trực thuộc đều đã chấp hành tốt.

Ông Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương tỉnh Đắk Lắk - cho biết: CĐ ngành có 55 CĐCS, trong đó 4 CĐCS thuộc khu vực hành chính sự nghiệp và 51 CĐCS thuộc khu vực sản xuất kinh doanh với 3.129 đoàn viên (dân tộc thiểu số có 274 người). Với đặc thù như vậy, khi xảy ra tranh chấp lao động CĐ phải giải quyết một cách hết sức hài hòa, đảm bảo quyền lợi cho công nhân nhưng vẫn phải ổn định được tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Một khi có sự cố xảy ra, lãnh đạo công đoàn ngành phải làm việc ngay với chủ doanh nghiệp để thương lượng, xử lý sự cố tranh chấp trên tinh thần đặt lợi ích của đoàn viên người lao động lên trên hết.

Ông Tuấn khẳng định: “Thực tế, với sự khéo léo, chỉn chu của cán bộ công đoàn các cấp, những cuộc đình công, xung đột quy mô lớn chưa xảy ra. Nhưng để hạn chế đến mức thấp nhất mâu thuẫn giữa chủ doanh nghiệp và công nhân thì việc triển khai, hoàn thiện TƯLĐTT một cách bài bản là hết sức quan trọng. Đặc biệt, vai trò của cán bộ CĐCS ở những đơn vị trực thuộc là rất lớn. Chỉ khi xây dựng được mối quan hệ hài hòa giữa đôi bên thì người lao động mới yên tâm sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống”.  

Sẽ nhân rộng mô hình

Minh chứng rõ nhất cho mối quan hệ hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động là tại Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á (đóng tại Khu Công nghiệp Hòa Phú) - nơi đang có khoảng 600 cán bộ, công nhân đang làm với tinh thần đoàn kết rất cao.

Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, toàn bộ công nhân lao động đến ban giám đốc đều được thụ hưởng mức thưởng giống nhau, không có chênh lệch. Ngoài ra, CĐCS đã đại diện cho tập thể người lao động xây dựng, thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện TƯLĐTT với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động như lương, thưởng, chế độ ăn ca, thăm hỏi, hiếu hỉ, tham quan du lịch…; hướng dẫn cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp ký kết HĐLĐ theo đúng quy định của pháp luật. Vì lẽ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị luôn duy trì ở mức khá tốt.

Hiện Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk đang tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh kiện toàn tổ chức, bộ máy, đội ngũ công chức làm công tác tham mưu quản lý Nhà nước về lao động; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đời sống, việc làm, nhà ở cho người lao động và mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp phù hợp với từng loại hình tổ chức.

Yêu cầu đặt ra là nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong quan hệ lao động. Trong đó, trách nhiệm của Ban chấp hành CĐCS thực sự là người đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động. Công đoàn tích cực tham gia xây dựng, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nội quy, quy chế lao động, thực hiện thỏa ước lao động kết hợp tư vấn, giúp đỡ hỗ trợ người lao động khi họ có nhu cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn