MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CĐCS Công ty TNHH Changshin Việt Nam tổ chức chương trình thăm công nhân khu nhà trọ, hỗ trợ nâng cao chất lượng bữa ăn cho người lao động. Ảnh: Hà Anh Chiến

Quan tâm tới đời sống, bữa ăn của người lao động

HÀ ANH CHIẾN LDO | 14/03/2022 11:07
Đồng Nai có khoảng 600.000 công nhân đang lao động sản xuất trong các khu công nghiệp. Trong đó đa phần là người nhập cư thuê trọ, hằng tháng phải lo “gồng gánh” đủ các loại chi phí để đảm bảo duy trì cuộc sống. Tuy nhiên, do giá cả liên tục tăng, đặc biệt là giá xăng dầu, công nhân phải tìm đủ cách tiết giảm chi phí sinh hoạt.

Ngày ăn cơm công ty, tối ăn mì gói

Trong khu nhà trọ chật hẹp tại phường Long Bình, anh Nguyễn Văn Trung (30 tuổi, quê Thanh Hóa) làm việc cho một Công ty dệt may nước ngoài tại Khu công nghiệp Long Bình chia sẻ, vợ chồng anh có hai người con, con trai 3 tuổi gửi ông bà nội, con gái 1 tuổi đang sống chung với bố mẹ. Vợ chồng anh Trung phải thay nhau chăm sóc con nhỏ, vợ làm ca ngày, chồng làm ca đêm. 

Anh Trung cho biết, cả hai vợ chồng làm việc cật lực, tăng ca đều đặn thì tổng thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, để nuôi thêm hai con nhỏ, gia đình anh Trung phải chi tiêu chắt bóp cho các khoản: Tiền thuê nhà, tiền gửi về quê cho ông bà nuôi đứa con đầu, chi ăn uống cho con thứ hai và rất nhiều khoản chi lặt vặt khác. Để tiết kiệm, vợ chồng anh Trung chủ yếu ăn cơm trong công ty, buổi tối lo bữa ăn cho con thì có gì ăn nấy, nhiều khi chỉ pha mỗi người gói mì và đập thêm quả trứng gà ăn qua bữa.

“Cơm công ty nấu dở, dầu ăn thì chiên đi chiên lại nhiều lần, nhiều bữa làm mệt nhưng cũng cố nuốt vài muỗng cơm để lấy sức làm việc. Nhờ tiết kiệm vậy mà mỗi tháng vợ chồng tôi mới dư dả ra được vài ba triệu để phòng lo việc khi cần” - anh Trung tâm sự. 

Trong khi đó, chị Vũ Thị Duyên (38 tuổi, quê Thái Bình) còn vất vả hơn khi phải một mình nuôi con nhỏ. Chị Duyên vào Đồng Nai làm công nhân Công ty Taekwang Vina, Khu công nghiệp Biên Hoà 2 - từ năm 2003 đến nay. Mặc dù thu nhập thuộc dạng thâm niên ở công ty nhưng hiện chị vẫn rất khó khăn, cuộc sống luôn phải đặt việc tiết kiệm lên hàng đầu để có tiền lo cho con cái.

Hiện con chị Duyên mới có 5 tuổi nhưng không may bị “rối loạn ngôn ngữ” nên toàn bộ số tiền kiếm được ngoài trang trải cuộc sống hằng ngày, chị dành chữa bệnh cho con. Con chị đang theo học ở một trường tư để cải thiện khả năng ngôn ngữ, một tháng hết 6,5 triệu đồng. 

Ngoài ra, tiền thuê nhà trọ, điện nước cũng tốn 2 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền ăn uống hằng ngày. Chị Duyên lo lắng, trong khi thu nhập thấp thì vật giá biến động thất thường theo chiều hướng tăng cao; tiền điện, nước, tiền nhà trọ cũng tăng nên cuộc sống công nhân ngày càng vất vả. 

Quan tâm tới bữa ăn của người lao động

May mắn hơn những công nhân khác, anh Nguyễn Văn Thuỷ (Công nhân tại Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hoà) không phải thuê trọ. Tuy nhiên, do cũng là công nhân nên anh rất hiểu khó khăn của đời sống người lao động mỗi khi cuộc sống có biến động như: Giá nhà trọ tăng, tiền điện nước tăng hay xăng dầu tăng giá…

“Người lao động ở Đồng Nai chủ yếu nhập cư từ các tỉnh về, làm việc với hai bàn tay trắng, nhờ sức lao động lấy đồng lương để sinh sống. Đa số không có nhà, phải đi thuê trọ nên nhiều công nhân khi giá cả tăng cao không trụ nổi đành bỏ về quê, chấp nhận mức lương thấp vì không phải thuê nhà, ăn uống rẻ hơn, không phải tàu xe đi lại dịp Tết. Tôi mong Nhà nước có thêm chính sách tốt hơn nữa để hỗ trợ cho người lao động” - anh Thuỷ nói.

Mới đây, Tỉnh ủy Đồng Nai đã làm việc với Đảng đoàn LĐLĐ tỉnh về kết quả hoạt động Công đoàn năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai - nhấn mạnh, để phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn tại một tỉnh công nghiệp có đông công nhân lao động như Đồng Nai, Đảng đoàn LĐLĐ tỉnh phải ưu tiên hàng đầu việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đoàn viên, người lao động.

Các Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp cần tác động chủ sử dụng lao động quan tâm nhiều hơn đến nhà ở, bữa ăn ca, thiết chế văn hóa và nơi giữ trẻ cho con công nhân… nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết của phần lớn người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn