MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chương trình liên kết đào tạo đưa lao động miền núi xuất ngoại mở ra hướng thoát nghèo ở miền núi Quảng Nam. Ảnh: Lê Diễm

Quảng Nam liên kết đào tạo nghề, đưa lao động miền núi xuất ngoại

Hoàng Bin LDO | 05/04/2024 09:23

Tại Quảng Nam, chương trình hợp tác đào tạo, tuyển dụng lao động giữa các trường nghề với các huyện miền núi đang mang lại kết quả khả quan, góp phần giải quyết việc làm, mở hướng giảm nghèo bền vững.

Gắn đào tạo nghề với tuyển dụng lao động miền núi

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện Nam Giang, huyện có hơn 20,5 nghìn người trong độ tuổi lao động, trong đó hơn 85% lao động nông nghiệp. Do địa hình đồi núi nên cuộc sống người dân rất khó khăn, với 2.654 hộ nghèo (tỉ lệ hơn 35%).

Từ năm 2022, Trường Cao đẳng THACO triển khai chương trình tuyển dụng lao động (ưu tiên miền núi) đi làm việc tại các nông trường Lào, với mức lương từ 7 đến 10 triệu đồng mỗi tháng. Huyện Nam Giang đã có 186 lao động tham gia chương trình này, là địa phương có số lao động đi làm việc tại Lào nhiều nhất của tỉnh Quảng Nam.

Từng là hộ cận nghèo, gia đình đông con, quanh năm chật vật với công việc làm thuê, chỉ sau 1 năm làm việc tại Lào, cuộc sống gia đình anh Alăng Hương (1985, trú xã La Dêê, huyện Nam Giang) đã đổi thay rõ rệt, nhà cửa khang trang hơn.

Anh Hương chia sẻ: “Sau 2 tháng được đào tạo kỹ thuật trồng chuối, tôi được Trường Cao đẳng THACO đưa sang nông trường bên Lào làm việc. Mỗi ngày tôi làm việc 8 giờ, được nghỉ ngày chủ nhật, điều kiện sinh hoạt tốt. Thu nhập mỗi tháng 9 triệu đồng, tôi gửi về cho lo cho gia đình, con cái ăn học”.

Bà Đỗ Thị Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (thuộc Sở LĐTBXH tỉnh) cho biết, thời gian qua, Trung tâm đã đẩy mạnh chương trình hợp tác giữa Trường Cao đẳng THACO, Phòng LĐTBXH các huyện miền núi, tuyển dụng, đưa lao động đi làm việc tại các nông trường Lào, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.

Trong hai năm 2022 và 2023, Trung tâm đã tuyển dụng 216 lao động. Năm 2024 các địa phương phấn đấu thực hiện 400 chỉ tiêu lao động sang Lào làm việc.

Giải quyết việc làm bền vững

Theo ông Phan Tiềm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng THACO, Công ty CP Nông nghiệp Trường Hải (THACO AGRI) đang triển khai đầu tư quy mô lớn trên diện tích 84.000ha tại 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, nhu cầu tuyển dụng lao động hằng năm rất lớn.

“Tùy theo vị trí công việc, nhà trường sẽ đào tạo lao động từ 1 đến 9 tháng. Sau đó, bố trí lao động làm việc tại các nông trường với mức lương thử việc 7 triệu đồng, lương chính 8 đến 10 triệu đồng mỗi tháng” - ông Phan Tiềm cho biết.

Theo ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, việc THACO đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động, đặc biệt là lao động đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi của tỉnh đã giải quyết được bài toán đào tạo nghề, việc làm, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân miền núi.

Thị trường lao động làm việc tại các nông trường Lào rất tiềm năng, bởi không đòi hỏi trình độ cao, phù hợp với lao động miền núi. Ngoài huyện Nam Giang, năm 2023, huyện Tây Giang đã đào tạo, tuyển dụng được hàng chục lao động đưa sang Lào làm việc, ổn định cuộc sống.

Tốt nghiệp cấp 3, do hoàn cảnh khó khăn nên anh ZơRân Hồng Linh (1996, trú xã Đắc Tôi, huyện Nam Giang) phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình. Đầu năm 2024, ZơRân Hồng Linh là 1 trong 56 lao động chuẩn bị sang nông trường bên Lào làm việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn