MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
LĐLĐ tỉnh Quảng Nam tích cực triển khai Bộ luật Lao động 2019 cho người lao động. Ảnh: Thanh Chung

Quảng Nam: Nỗ lực tuyên truyền Bộ luật Lao động 2019 cho người lao động

THÚY HỒNG LDO | 01/01/2021 09:16
Bộ luật Lao động năm 2019 sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1.1.2021, với 200 điều được bổ sung và sửa đổi. Dù là dịp cuối năm, người lao động (NLĐ) phải làm tăng ca nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, LĐLĐ tỉnh Quảng Nam với mong muốn lợi ích NLĐ được đảm bảo đã không ngừng áp dụng các biện pháp tuyên truyền những điểm sửa đổi của Bộ luật Lao động mới.

Nỗ lực tuyên truyền

Bộ luật Lao động năm 2019 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20.11.2019, có hiệu lực từ ngày 1.1.2021, có 200/220 điều được bổ sung, sửa đổi. Bộ luật này cho phép NLĐ thay đổi thái độ khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo hướng tích cực hơn.

Theo đó, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Quảng Nam hướng sự quan tâm của tổ chức Công đoàn (CĐ) vào một số điểm mới liên quan trực tiếp đến NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) về hợp đồng lao động (HĐLĐ); về quyền thương lượng thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT); về tiền lương, nghỉ lễ, Tết; thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, làm thêm giờ, tuổi nghỉ hưu, lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới; tổ chức đối thoại định kỳ tại doanh nghiệp; quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức đại diện NLĐ...

Với nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, vừa đảm nhận vai trò truyền thông, đồng hành, hỗ trợ NLĐ, LĐLĐ tỉnh Quảng Nam mong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các cấp CĐ, NLĐ nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, tạo điều kiện cho NLĐ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Quảng Nam cho biết, trong thời gian tới, các cấp Công đoàn cơ sở (CĐCS) cần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đẩy mạnh công tác tuyên truyền - đây là khâu đầu tiên, là chiếc cầu nối để chuyển tải Bộ luật đến với NLĐ. Bằng nhiều kênh thông tin khác nhau, đồng thời xuất phát từ trình độ văn hóa và nhận thức của đối tượng, hoàn cảnh thực tế để quyết định một hình thức tuyên truyền và nội dung phù hợp. Đặc biệt là hoạt động phối hợp với Trung tâm phổ biến giáo dục pháp luật các cơ quan thông tin đại chúng và thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để tổ chức thực hiện.

LĐLĐ tỉnh đang xây dựng kế hoạch về công tác tuyên truyền một cách khoa học. Nội dung tuyên truyền phải đảm bảo vừa có tác dụng với NLĐ và cả NSDLĐ để họ phối hợp thực hiện tốt những điều khoản của luật định. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ CĐCS hoặc trực tiếp tuyên truyền miệng đến các tổ, nhóm, NLĐ tại các cơ sở. Công tác tuyên truyền thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề pháp luật, cuộc thi tìm hiểu và các hội thi, hoạt động văn hóa văn nghệ... Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện tuyên truyền tại cơ sở. Đến thời điểm hiện tại, LĐLĐ tỉnh đã triển khai những điểm mới, sửa chữa của Bộ luật Lao động 2019 cho 16/23 CĐ các cơ sở.

Hiểu và biết về luật là cách tự bảo vệ tốt nhất

Đối với CĐCS tại các doanh nghiệp, cần đầu tư, nghiên cứu nhiều hơn cho công tác thông tin, tuyên truyền bởi thường gặp khó khăn về phương thức tổ chức, sự phối hợp của chủ doanh nghiệp, nhất là công nhân lao động (CNLĐ) không có nhiều thời gian nghỉ ngơi sau giờ làm việc; không có thói quen nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan đến các hợp đồng, điều khoản khá phức tạp và khó hiểu. Nên, ngoài việc cấp phát tờ rơi, loa phóng thanh tại các doanh nghiệp thì cần thực hiện các bước thuộc về phương pháp tổ chức tuyên truyền trực tiếp dưới hình thức chia sẻ thông tin; Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật (thi nói, thi viết, thi trên mạng và thi trắc nghiệm) trong CNLĐ là hình thức sinh hoạt văn hóa pháp lý có sức hấp dẫn và hiệu quả cao giúp họ nhận thức sâu sắc hơn những nội dung họ cần tìm hiểu; Thông qua các loại hình nghệ thuật (hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng); Đẩy mạnh vai trò của tổ tư vấn ở cơ sở, chủ động tìm đến công nhân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tạo sự tin tưởng đối với họ.

LĐLĐ tỉnh Quảng Nam cho hay, việc tuyên truyền, đưa Bộ luật Lao động năm 2019 đến với NLĐ là rất cần thiết, đòi hỏi phải có kế hoạch tuyên truyền cụ thể, phù hợp, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức pháp luật cho CNLĐ để họ hiểu rõ quyền lợi của bản thân và của doanh nghiệp, dần chuyển đổi từ thái độ thụ động sang thái độ tích cực. Từ những hiểu biết về pháp luật lao động để tự bảo vệ lợi ích cho mình, tự ý thức đồng hành với doanh nghiệp, tiếp tục xây dựng mối quan hệ lao động tiến bộ, ổn định trong doanh nghiệp, hạn chế các vụ việc ngừng việc tập thể, đình công, lãn công trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn