MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Luyện tập công tác ứng cứu sự cố hầm lò ở các đơn vị của TKV năm 2017. Ảnh: T.N.D

Quảng Ninh: Hàng chục người thiệt mạng do ý thức lơ là

TRẦN NGỌC DUY LDO | 02/11/2017 09:16

Một báo cáo mới nhất về mất an toàn lao động (ATLĐ) xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã ghi nhận 32 vụ việc, làm chết 36 người từ đầu năm đến nay. Trong khi con số mất ATLĐ đối với các DN trong tỉnh có chiều hướng giảm so với cùng kỳ, thì tại các DN có trụ sở ngoài tỉnh lại tăng mạnh với 10 vụ việc và 12 người thiệt mạng (tăng 3 người) và điều này cho thấy phần nào công tác chỉ đạo, giám sát việc tuân thủ quy định pháp luật đối với lĩnh vực này còn nhiều bất cập.

Ý thức phòng ngừa tai nạn kém

Theo đánh giá của LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh: Con số 32 vụ việc và 36 người chết từ đầu năm đến nay ở trên địa bàn tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành nghề là khai khoáng, xây dựng và hầm lò. 10 tháng đầu năm, lĩnh vực lắp đặt công trình, xây dựng có dấu hiệu tăng về số vụ và số thương vong do lĩnh vực này không được kiểm tra ngặt nghèo về công tác ATLĐ như đối với ngành than - khoáng sản.

Chỉ đơn cử một vài vụ việc đã cho thấy nguy cơ mất ATLĐ ở nhóm DN này đã gây ra những thiệt hại về người rất lớn, như: Vụ TNLĐ xảy ra ngày 22.8, tại dự án Newlife Tower do Cty CP XNK tổng hợp Hà Nội tại Quảng Ninh làm chủ đầu tư. Tại đây, người của nhà thầu là Cty TNHH Kỹ nghệ Đông Nam Á (TPHCM) để xảy ra TNLĐ làm 3 công nhân bị tử vong do rơi từ trên cao xuống đất khi đang lắp đặt ray dẫn hướng thang máy. Tiếp đến, vụ mất TNLĐ tại công trình xây dựng số nhà 37, Đại lộ Hòa Bình (TP.Móng Cái) khiến 7 người trọng thương do lồng nâng máy vận thăng rơi. Chưa hết, chỉ sau đó không lâu, TP.Móng Cái cũng để xảy ra thêm một vụ việc thương tâm, cướp đi sinh mạng của 2 thợ xây do giàn giáo của tầng 6 bất ngờ bị gãy, khiến những công nhân này rơi xuống đất tử vong.

Quảng Ninh trong những năm gần đây được xem là mảnh đất phát triển với việc hàng loạt các công trình hạ tầng về giao thông, sân bay và tập trung nhiều hạng mục xây dựng liên quan đến bất động sản, khách sạn. Nhưng, dường như công tác ATLĐ trên những công trình này lại ít được các cơ quan chức năng quan tâm, giám sát. Lý giải về “kẽ hở” trong công tác giám sát sau mỗi vụ việc xảy ra, ông Trần Danh Chức - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh - cho rằng: “Nguyên nhân gia tăng mất ATLĐ là ở các DN ngoài khu vực nhà nước khi bị kiểm tra đều không có tổ chức công đoàn (CĐ), không có hệ thống an toàn viên giám sát. Rất nhiều nhóm thợ được thầu phụ thuê theo thời vụ, nên việc chấp hành an toàn kém và thiếu kỹ năng và đây là nguyên nhân chính dẫn đến những tai nạn”.

Cũng theo đề xuất của tổ chức CĐ, chính quyền sở tại nên cùng phối hợp với CĐ, Sở LĐTBXH kiểm tra chặt chẽ các nhà thầu, đơn vị xây dựng trong việc chấp hành ATVSLĐ và việc sử dụng lao động tại mỗi công trình.

Xử lý pháp luật chưa nghiêm

Là tỉnh công nghiệp, tập trung vào khai khoáng trong các hầm mỏ và có tốc độ phát triển xây dựng hạ tầng nhanh, do đó, mỗi năm có vài chục trường hợp tử nạn từ mất ATLĐ. Trong số này, ngành than luôn có mức độ rủi ro cao và góp vào số vụ TNLĐ lớn hằng năm, cùng những thương vong và thiệt hại lớn về vật chất.

Theo báo cáo của các ngành chức năng: 6 tháng đầu năm 2017, Đoàn điều tra TNLĐ tỉnh Quảng Ninh đã kiến nghị khởi tố và chuyển Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định khởi tố hình sự 1 vụ việc (vụ TNLĐ tại công trình xây dựng số nhà 37, Đại lộ Hòa Bình, TP.Móng Cái); yêu cầu các đơn vị thực hiện 67 kiến nghị; kiến nghị xử lý kỷ luật 69 người có lỗi để xảy ra TNLĐ. Tại các đơn vị để xảy ra TNLĐ chết người trong ngành than cũng tiến hành xử lý kỷ luật cách chức 3 người; khiển trách 27 người; kéo dài thời hạn nâng lương 6 người; yêu cầu kiểm điểm, học lại nội quy, quy trình ATVSLĐ với 34 người.

Tuy vậy, từng đó vẫn chưa đủ và chưa có sức răn đe. Theo nhìn nhận của một quản lý DN trong ngành than, nhiều vụ việc mất ATLĐ đáng lẽ phải được cơ quan pháp luật ở Quảng Ninh khởi tố vụ án đối với người đứng đầu đơn vị chứ không thể vô can, “dồn” trách nhiệm cho cấp dưới được. Lời nhận xét trên là có cơ sở, bởi từ nhiều năm nay, nhiều vụ việc nghiêm trọng (từ 2 sinh mạng trở lên) xảy ra ở các đơn vị của Tập đoàn Than - Khoáng sản VN không hề được cơ quan pháp luật truy tố, xét xử, trong khi những vị giám đốc DN vẫn không hề bị kỷ luật, xem xét trách nhiệm (?!).

Và phải chăng, lỗ hổng về pháp luật đối với công tác này đang có vấn đề? Phân tích từ báo cáo công tác ATLĐ mới nhận ra có sự “né” trách nhiệm. Bởi theo một thành viên Đoàn điều tra TNLĐ tỉnh Quảng Ninh, những vụ việc mất ATLĐ đối với các đơn vị, DN ngoài tỉnh phải xử lý hành chính theo quy định thì phải chuyển kết luận hồ sơ về địa phương có DN đăng ký tiếp quản, nên việc giám sát chấp hành đối với sai phạm gây ra là không thể kiểm soát và không đủ ràng buộc pháp lý.

Lại thêm một vụ TNLĐ xảy ra vào lúc 4h sáng 1.11 tại một đường lò khai thác của Cty than Mông Dương - TKV (tại phường Mông Dương, TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh) khiến 1 thợ lò tử nạn. Theo báo cáo từ Cty than Mông Dương, vụ việc xảy ra vào cuối ca 3, khi công nhân Nguyễn Văn Trường (SN 1984, thợ khai thác hầm lò, bậc 4/6) đang làm việc tại gương lò thượng mức -170 - 97,5, khu 8 Cánh Tây thì bất ngờ bị đá gương tụt lở, rơi vào người gây tai nạn. Ngay sau khi gặp nạn, thợ lò Trường đã được nhóm công nhân cùng ca tiến hành sơ cứu và đưa lên mặt bằng công trường và chuyển gấp đến Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả cấp cứu. Tuy nhiên, do bị đa chấn thương quá nặng, nên thợ lò Trường đã tử vong. Đây là vụ TNLĐ thương tâm thứ 13, khiến 14 công nhân của TKV thiệt mạng từ đầu năm đến nay. T.N.D

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn