MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyện vọng của NLĐ là muốn tăng mức lương tối thiểu - một mức lương có thể đáp ứng được các chi tiêu cơ bản - để cuộc sống của họ sẽ đỡ vất vả. Ảnh: Hà Anh Chiến

Quay quắt tăng ca, mệt mỏi chăm lo con cái

HÀ ANH CHIẾN LDO | 25/07/2018 06:42

Để có thêm thu nhập, nhiều công nhân tại tỉnh Đồng Nai phải tập trung tăng ca, bỏ lại phía sau là con cái họ trong các khu nhà trọ thiếu sự quan tâm và chăm sóc.

Đã từng chia sẻ với chúng tôi trường hợp như vậy là anh Nguyễn Văn Trung (26 tuổi), cùng vợ là chị Hoàng Thị Lan (25 tuổi, cùng quê Thanh Hóa) làm việc cho một Cty dệt may FDI ở Đồng Nai, thuê nhà trọ sinh sống tại P.Long Bình, TP.Biên Hòa (Đồng Nai). Vợ chồng anh Trung có 2 con, đứa trai lớn 4 tuổi, gửi về nhà nội ở Thanh Hóa; bé gái thứ mới 2 tuổi, sống chung với ba mẹ, chưa đi trẻ.

Hai vợ chồng anh Trung ngoài tiền lương còn phải cố gắng tăng ca thì được khoảng 8 triệu đồng/tháng/người, cả 2 vợ chồng được khoảng 16 triệu đồng/tháng. Với mức này, để nuôi thêm 2 con nhỏ, gia đình anh Trung chỉ đủ chi tiêu chắt bóp cho các khoản: Thuê nhà, tiền gửi về quê cho ông bà nuôi đứa con đầu, chi ăn uống cho con thứ hai và rất nhiều khoản chi lặt vặt khác.

“Nếu tiết kiệm lắm thì dư khoảng 1- 1,5 triệu đồng/tháng” - anh Trung nói.

Việc tăng ca đối với vợ chồng anh Trung đã là bắt buộc, thời gian của hai vợ chồng chủ yếu là ở trong nhà máy, do đó đứa con trai đầu của anh chị phải gửi ở nhà trẻ tư nhân gần khu nhà trọ, khiến cháu thường xuyên bị ốm, người rất yếu, sau đó anh Trung buộc phải đưa cháu về quê.

Anh Trung chia sẻ thêm: “Cuộc sống 2 vợ chồng với 2 đứa con, nếu không tăng ca thì sẽ rất khó, không đủ chi tiêu, nên bọn em phải cố gắng”.

Vừa phải tăng ca để thêm thu nhập, vừa phải chăm con, vợ chồng anh Trung phải thay nhau chăm sóc con nhỏ, vợ làm ca ngày, chồng làm ca đêm. Mỗi buổi sáng, chị Lan đi làm khi trời còn chưa sáng tỏ, để con một mình ở nhà trọ, lúc hơn 6 giờ sáng chồng đi làm về, tiếp quản. Nếu giờ chị Lan đi làm mà bé thức dậy thì phải gửi sang nhà hàng xóm, đợi anh Trung về đón sau.

Cả 2 vợ chồng đều đi làm và tăng ca nên ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm con, ảnh hưởng đến sức khoẻ của hai vợ chồng. Chị Lan đi làm ca ngày, sau đó về giữ con; anh Trung đi làm ca đêm, ban ngày ở nhà giữ con.

Lo cho con đã khổ thế, còn hai vợ chồng anh Trung hầu như không gặp nhau vào các ngày làm việc trong tuần, chỉ gặp nhau được vào ngày chủ nhật. Việc tăng ca nhiều cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của anh Trung, do anh phải đứng liên tục suốt ca để theo máy, nhưng với mức lương thấp thì việc tăng ca là tất yếu để trang trải cuộc sống gia đình.

Chia sẻ trên về cuộc sống của anh Trung cũng là hoàn cảnh chung cho nhiều gia đình công nhân đang sinh sống và làm việc tại Đồng Nai. Chị Lâm Như Huyền (24 tuổi, quê Cà Mau), đã làm công nhân ở Đồng Nai được 9 năm cho một Cty mây tre đan của Việt Nam và đã có gia đình gồm 2 con nhỏ (2 tuổi và 3 tuổi). Chị Huyền phải gửi cháu nhỏ về nhờ ông bà ngoại nuôi dưỡng, hai vợ chồng chỉ nuôi cháu lớn nhưng khi đi làm phải gửi con cho nhà trẻ tư nhân chăm sóc.

Chị Huyền nói: “Hiện nay vợ chồng em không tăng ca, thu nhập cả hai vợ chồng chỉ khoảng 9 triệu đồng/tháng, không đủ để chi tiêu trong gia đình. Vì vậy trong thời gian từ tháng 6 hằng năm trở đi là thời gian Cty có nhu cầu tăng ca, hai vợ chồng phải cố gắng tăng ca thêm mỗi ngày 4 tiếng để kiếm thêm thu nhập. “Nếu tăng ca đầy đủ, mỗi tháng em có thể kiếm thêm được 2 triệu đồng, nếu tằn tiệm thì có thể dư được một chút để tiết kiệm” – Huyền chia sẻ.

Kết lại, chị Huyền cũng như anh Trung và nhiều công nhân khác ở Đồng Nai đều mong muốn cho rằng: Nhu cầu, nguyện vọng của NLĐ là muốn tăng mức lương tối thiểu - một mức lương có thể đáp ứng được các chi tiêu cơ bản - thì cuộc sống của họ sẽ đỡ vất vả, NLĐ sẽ ít phải tăng ca hơn, có thời gian hơn để lo cho con cái và hạnh phúc gia đình…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn