MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Quốc hội thảo luận gia nhập Công ước 98: Vì mục tiêu bảo vệ quyền lợi NLĐ

Đặng Chung - Cao Nguyên - Thành Trung LDO | 07/06/2019 19:25

Ngày 7.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế, áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Các đại biểu đều nhấn mạnh lợi ích của việc gia nhập Công ước số 98 và vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động.

Cần thiết gia nhập Công ước số 98

Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đề cập đến việc áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Trong đó, có một số điểm nổi bật liên quan đến quyền của NLĐ trong tổ chức và thương lượng tập thể.

Phát biểu tại phiên thảo luận, các đại biểu nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế - quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc gia nhập Công ước số 98 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội.

 Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hóa). Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hóa) cho biết, ông thống nhất cao về chủ trương gia nhập Công ước 98. Việc gia nhập đáp ứng vai trò thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của Việt Nam là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế. Bảo đảm thực thi, thực chất các cam kết liên quan đến lao động trong các hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP). Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết các hiệp định tự do thương mại.

Đại biểu Lợi cũng kiến nghị Chính phủ làm rõ hơn, tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật, để đảm bảo sự tương thích với Công ước số 98, nếu tờ trình gia nhập Công ước này được Quốc hội thông qua.

Vì mục tiêu bảo vệ quyền lợi NLĐ

Phát biểu tại Quốc hội, Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn TP.Hà Nội) – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - nhấn mạnh, việc Việt Nam gia nhập Công ước 98 là rất cần thiết.

Trước tình hình mới, những năm gần đây, Tổng LĐLĐVN và các cấp công đoàn đã tiến hành đổi mới mạnh mẽ, tập trung thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, trong đó công tác đối thoại, thương lượng tập thể được đặc biệt quan tâm.

Ngoài mô hình hiện tại chủ yếu là thương lượng thỏa ước tại doanh nghiệp, đã quan tâm thí điểm thực hiện thương lượng ở nhóm doanh nghiệp, thương lượng ở cấp ngành, để đảm bảo hài hòa lợi ích hai bên là NLĐ và người sử dụng lao động.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn TP.Hà Nội) phát biểu tại Quốc hội sáng 7.6. Ảnh:Quochoi.vn

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cũng đề xuất 5 nội dung cần quan tâm liên quan đến việc gia nhập Công ước 98.

“Thứ nhất, tiếp tục quan tâm đầu tư, cụ thể hoá, nội luật hoá trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) về vấn đề đối thoại, thương lượng. Trong đó chú ý tới đặc điểm trong quan hệ lao động, NLĐ luôn là bên yếu thế, nên việc thiết kế pháp luật phải chú ý tới đặc điểm này, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Thứ hai, phải tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cả về thực hiện pháp luật lao động và lĩnh vực pháp luật kinh doanh, đầu tư. Thời gian qua có tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn để lại hậu quả hết sức nặng nề, gây mất niềm tin của NLĐ.

Thứ ba, quan tâm làm tốt hơn nữa công tác phối hợp giữa ba bên - Tổng LĐLĐVN, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN và cơ quan quản lý nhà nước là Bộ LĐTBXH - để việc chăm lo, bảo vệ NLĐ được tốt hơn.

Thứ tư, tổ chức công đoàn sẽ tiếp tục đổi mới. Tổng Liên đoàn đang trình cơ quan có thẩm quyền Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng rất nhiều chương trình công tác bám sát yêu cầu của CPTPP và hội nhập quốc tế, đổi mới hệ thống chính trị.

Thứ năm, trước bối cảnh mới, có vấn đề chưa có tiền lệ trong lịch sử 90 năm Công đoàn VN, rất mong các cấp uỷ, chính quyền, các bộ ngành cùng quan tâm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề về công đoàn và người lao động.

Sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp của Chính phủ, các ngành các cấp - nhất là những địa phương có đông công nhân lao động, tình hình quan hệ lao động phức tạp - là điều rất cần thiết, để cùng hướng tới mục tiêu chung vì quyền và lợi ích của NLĐ”- đại biểu Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Trước việc một số đại biểu Quốc hội băn khoăn về tính liên quan của nội dung Công ước 98 và quy định của Luật Công đoàn, hay về khoản kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng 2% trên tổng tiền lương, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh vấn đề 2% kinh phí công đoàn không liên quan đến việc can thiệp công đoàn, vì khoản kinh phí này được thực hiện theo cơ chế thu toàn hệ thống, sau đó phân bổ về các cấp công đoàn.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu thông tin: “Trong nhiều diễn đàn, trước sự quan tâm của các đối tác quốc tế, chúng tôi đã trao đổi là tổ chức công đoàn không sử dụng kinh phí hoạt động từ Chính phủ, không bị can thiệp công đoàn; 2% kinh phí công đoàn được sử dụng cho nhiệm vụ trong toàn hệ thống, bao gồm lương và các hoạt động thường xuyên, các hoạt động chăm lo, bảo vệ người lao động, ví dụ như xây dựng thiết chế công đoàn cho NLĐ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn