MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động xem thông tin tuyển dụng tại cổng khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). Ảnh minh hoạ: Bảo Hân

Quy định về thời gian thử việc của người lao động

Quế Chi (T/H) LDO | 10/02/2022 20:30
Theo Khoản 1 Điều 24 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việcbằng việc giao kết hợp đồng thử việc. Thời gian thử việc do các bên quyết định, đảm bảo thời gian tối đa theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc, thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng chỉ được thử việc 1 lần đối với 1 công việc và bảo đảm điều kiện về thời gian như sau:

- Công việc của người quản lý doanh nghiệp: Thử việc không quá 180 ngày.

- Công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên: Thử việc không quá 60 ngày.

- Công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ: thử việc không quá 30 ngày.

- Công việc khác: Thử việc không quá 6 ngày làm việc.

Như vậy, người sử dụng lao động chỉ được yêu cầu người lao động thử việc trong các khoảng thời gian nêu trên tùy vào tính chất công việc.

Nếu thử việc quá thời gian quy định, doanh nghiệp có thể bị phạt từ 2 - 5 triệu đồng (theo Điểm b Khoản 2 Điều 10 Nghị định 12/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).

Ngoài ra, nếu doanh nghiệp yêu cầu thử việc với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. (Điểm a Khoản 1 Nghị định 12/2022). 

Theo Điều 27 Bộ luật Lao động năm 2019: Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.

- Trường hợp thử việc đạt yêu cầu: Người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.

- Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu: Chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.

Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn