MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vai trò của công tác nữ công ở các doanh nghiệp có đông lao động nữ được thúc đẩy trong năm 2024 sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống cho chị em. Ảnh: Phương Linh

Quyền lợi của lao động nữ được tốt hơn từ sự đổi mới

Kiều Vũ LDO | 07/03/2024 09:18

Thực tế cho thấy, bằng sự đổi mới của hoạt động nữ công cũng như việc nâng cao chất lượng của ban nữ công quần chúng mà quyền lợi của lao động nữ được thực hiện tốt hơn.

Nhiều mô hình hỗ trợ lao động nữ

Tiếp tục được đổi mới hoạt động nữ công, Tổng LĐLĐVN đã triển khai và chỉ đạo các cấp CĐ tổ chức các chương trình thực sự hữu ích đối với lao động nữ. Trong đó có diễn đàn giao lưu trực tuyến “Muôn nẻo yêu thương”, mô hình “Sức khỏe của bạn”, “Lễ cưới tập thể”, “Phòng vắt trữ sữa mẹ tại nơi làm việc”, “Trại hè cho con CNVCLĐ”, “Biểu dương gia đình CNVCLĐ tiêu biểu”, “Tuyên dương con NLĐ vượt khó, học giỏi”.

Đơn cử như tại Hà Nội, năm 2023, Ban Nữ công LĐLĐ thành phố tham mưu xây dựng và triển khai Kế hoạch “Khám sức khỏe sinh sản, khám tầm soát ung thư miễn phí cho 5.000 CNLĐ”. Từ đó các cấp công đoàn (CĐ) thành phố đã triển khai khám cho 5.018 CNLĐ với tổng số tiền là hơn 4,03 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các cấp CĐ Thủ đô tổ chức chương trình “Tri ân Người Phụ nữ tuyệt vời”, “Rạng rỡ Ba Đình”; Nói chuyện chuyên đề “Bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ để xây dựng và giữ gìn gia đình hạnh phúc”, “Nghệ thuật làm cha mẹ”, “Hạnh phúc tự thân”…; thi cắm hoa, thi nấu ăn…

Các hoạt động đã thu hút được sự tham gia của gần 9.500 nữ CNVCLĐ, tổng số tiền dành cho các hoạt động trên là hơn 2,26 tỉ đồng...

Những chương trình, mô hình, hoạt động ý nghĩa nêu trên, đã lan tỏa mạnh mẽ trong toàn hệ thống và tạo ấn tượng sâu sắc đối với lao động nữ, góp phần hỗ trợ nữ CNVCLĐ ổn định đời sống, việc làm và xây dựng gia đình hạnh phúc.

Trong nhiệm kỳ 2018-2023 có 11.943.671 lượt CNVCLĐ được truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; 10.849.227 lượt CNVCLĐ được khám sức khỏe định kỳ, khám siêu âm, xét nghiệm tổng quát... theo quy định. Trong đó có 5.647.209 lượt lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản; số lao động nữ được hỗ trợ điều trị sau khi khám sức khỏe định kỳ là 583.423 người; tổng số có 1.379 phòng vắt, trữ sữa được lắp đặt tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc 9 công đoàn ngành và 46 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Không ngừng nâng cao chất lượng Ban nữ công quần chúng

Để tiếp tục và nâng cao chất lượng thực hiện vai trò đại diện, chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp của lao động nữ, việc thành lập, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của ban nữ công quần chúng được đẩy mạnh.

Kết quả thành lập ban nữ công CĐCS khu vực Nhà nước từ 2018 - 2023 đạt 100%, khu vực ngoài Nhà nước đạt tỉ lệ trên 80% (vượt chỉ tiêu hơn 10%). Hiện nay, cả nước có 78.896 ban nữ công quần chúng, tăng hơn 7.700 ban nữ công quần chúng so với đầu nhiệm kỳ.

Với hoạt động hiệu quả của ban nữ công quần chúng, nhiều quyền lợi hợp pháp, chính đáng của lao động nữ được đảm bảo. Các hoạt động cải thiện điều kiện chăm sóc, nuôi dạy và học tập của con CNVCLĐ tiếp tục được triển khai, đặc biệt chính sách về nhà trẻ mẫu giáo cho con CNLĐ các khu công nghiệp có chuyển biến tích cực từ nỗ lực của các cấp CĐ.

Trên cơ sở hoạt động và thông tin từ các ban nữ công quần chúng, tổ chức CĐ đã tham mưu đề xuất Đề án 404 của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020”; thúc đẩy tham mưu triển khai thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8.9.2020 của Chính phủ về quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non. Có 50/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non và chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.

Các cấp CĐ đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành 36.890 cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ; tổ chức đối thoại về thực hiện chính sách lao động nữ và các vấn đề lao động nữ quan tâm…

Trao đổi về hiệu quả hoạt động của ban nữ công quần chúng, LĐLĐ Thành phố Hà Nội cho biết, đã tham mưu chỉ đạo các CĐCS thành lập ban nữ công quần chúng ngay sau ĐH nhiệm kỳ 2023-2028, xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho các thành viên ban nữ công quần chúng.

Tính đến nay đã có khoảng 5.080 Ban nữ công quần chúng thành lập sau Đại hội Nhiệm kỳ 2023-2028.

Trong đó 3.083 Ban nữ công quần chúng/3.083 Công đoàn cơ sở khu vực Nhà nước đủ điều kiện thành lập ban nữ công quần chúng (chiếm 100%); 2.004 ban nữ công quần chúng/2.459 công đoàn cơ sở khu vực ngoài Nhà nước đủ điều kiện thành lập Ban nữ công quần chúng (chiếm 81,5%).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn