MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nơi ăn ở của công nhân Công ty Cổ phần Nhôm Đô Thành (Hà Nội) khi doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”. Ảnh: Cường Ngô

Quyết định của Tổng LĐLĐVN Hỗ trợ suất ăn cho công nhân “3 tại chỗ”: Đến đúng lúc khi doanh nghiệp “rối như tơ vò”

Cường Ngô LDO | 09/09/2021 07:00

Quyết định số 3089/QĐ-TLĐ ngày 24.8.2021 về hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” của Tổng LĐLĐVN đang được các cấp công đoàn triển khai tích cực. Đây là sự động viên, mang lại niềm vui cho người lao động và phấn khởi cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Sự hỗ trợ rất kịp thời

Là doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất, bà Lê Ánh Tuyết - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nhôm Đô Thành (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) cho hay, khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, để duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp của bà nhanh chóng áp dụng “3 tại chỗ”.

“Chúng tôi đã quy hoạch, sắp xếp khu vực xưởng làm nơi ngủ nghỉ cho công nhân, người lao động của công ty. Ban lãnh đạo xuống tận nơi yêu cầu bộ phận hành chính trị sự chuẩn bị đồ dùng thiết yếu cho công nhân thực hiện “3 tại chỗ”. Nếu như một số tỉnh thành ở phía Nam chuẩn bị lều bạt cho công nhân, chúng tôi lại chuẩn bị giường tầng, đảm bảo sức khoẻ cho người lao động của mình”, bà Lê Ánh Tuyết nói.

Cũng theo bà Tuyết, khi thực hiện “3 tại chỗ”, công ty phải giảm 50% lực lượng lao động. Đồng thời có những biện pháp hỗ trợ công nhân ở trọ, như tặng gạo, mì tôm và một phần lương cơ bản để anh em công nhân yên tâm ở nhà chống dịch. Với công nhân tiếp tục làm việc trong nhà máy sẽ được bộ phận hành chính lo ăn 3 bữa.

“Thời gian này, mặc dù vấn đề lưu thông hàng hoá giữa các tỉnh, địa phương gặp nhiều khó khăn, nhưng để không đứt gãy chuỗi cung ứng, công ty vẫn duy trì sản xuất. Có những tuần, hàng hoá chất đầy kho, chúng tôi vẫn chấp nhận để người lao động có việc làm, có thu nhập”, bà Tuyết nói.

Cũng theo bà Tuyết, khi thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, tổ chức công đoàn công ty thường xuyên gần gũi, động viên, nắm tâm tư tình cảm người lao động, điều kiện ăn ở thực tế. Từ đó, có những tham mưu cho lãnh đạo doanh nghiệp kịp thời bổ sung, điều chỉnh. Nhờ làm tốt công tác phối hợp, sau hơn 40 ngày thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, công ty đã duy trì sản xuất ổn định trong điều kiện dịch bệnh căng thẳng trên địa bàn.

Theo Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhôm Đô Thành, sau khi Công đoàn cấp trên có văn bản hướng dẫn về việc hỗ trợ bữa ăn cho công nhân “3 tại chỗ” theo Quyết định 3089, công đoàn công ty đã thông tin tới ban lãnh đạo, để triển khai thực hiện. 

“Tuần trước, chúng tôi đã nộp danh sách 129 đoàn viên, người lao động đang thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” lên Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội. Tôi thấy tổ chức công đoàn đã rất kịp thời trong việc hỗ trợ suất ăn cho người lao động đang sản xuất “3 tại chỗ” như chúng tôi. Đây là sự động viên rất quý, mang lại niềm vui cho người lao động và phấn khởi cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp”, bà Lê Ánh Tuyết nói.

Vui vì Tổ chức Công đoàn quan tâm 

Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước có 2 nhà máy đặt ở Đà Nẵng và Tiền Giang, do ông Trần Văn Lĩnh làm Chủ tịch HĐQT. Thời gian qua, khi thực hiện mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, công ty gặp phải nhiều khó khăn do trước đó vốn không có khu lưu trú cho công nhân. Vì áp lực sản xuất, áp lực giao hàng, đời sống công nhân nên doanh nghiệp buộc phải duy trì “3 tại chỗ”, nhưng duy trì trong điều kiện hết sức tạm bợ.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, ông cũng đã biết đến chương trình hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” của Tổng LĐLĐVN. “Tôi vui vì Tổng LĐLĐVN đã vào cuộc, quan tâm, giúp đỡ những công nhân đang thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất”, ông Lĩnh nói.

Cũng theo ông Lĩnh, để thực hiện được mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, lãnh đạo công ty cùng người lao động phải nỗ lực gấp 2-3 lần so với điều kiện bình thường, nhất là những nhà máy, phân xưởng thuộc “vùng đỏ”, vùng cách ly y tế. 

Bên cạnh hỗ trợ người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ”, theo Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn những lao động mất việc hoặc phải tạm ngưng việc làm. Bảo hiểm xã hội nên sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người mất việc làm. Đây là thời điểm công nhân cần sự giúp đỡ nhất, nếu không “cấp cứu” ngay, rất nhiều người sẽ bỏ về quê, đến khi dịch kiểm soát, nhiều doanh nghiệp rất khó tuyển lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn