MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những biển mời gọi vay tiền thế này đang dần biến mất ở miền Tây. Ảnh: N.V

Quyết liệt đẩy lùi tín dụng đen ở miền Tây

KỲ QUAN LDO | 19/03/2019 14:26

Xuất hiện ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ cách đây vài năm, “tín dụng đen” (TDĐ) phát triển ồ ạt và len lỏi đến các xóm nghèo, các khu nhà trọ công nhân, đẩy nhiều gia đình nghèo đến chỗ bế tắc, phải bán nhà cửa, ruộng vườn hoặc bỏ xứ trốn nợ, gia đình tan nát. Chính quyền các tỉnh và hệ thống công đoàn (CĐ) đang vào cuộc quyết liệt đẩy lùi TDĐ.

Quyết liệt từ tỉnh đến huyện

Ngày 13.3 vừa qua, Công an huyện Tân Trụ, tỉnh Long An đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 đối tượng về hành vi vi phạm quy định về quảng cáo. Trước đó, các đối tượng này bị bắt quả tang khi đang rải tờ rơi quảng với nội dung “Cho vay trả góp với thủ tục đơn giản, giải ngân trong ngày, giới thiệu có tiền càphê”. Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, nhóm cho vay nặng lãi này tuy mới đến địa bàn huyện Tân Trụ nhưng đã có nhiều khách hàng vay tiền theo cách: Vay 10 triệu đồng, nhưng chỉ nhận được 8 triệu đồng (trừ 1 triệu đồng tiền phí và 2 ngày góp trước 1 triệu đồng). Người vay phải “góp” mỗi ngày 500.000 đồng trong 23 ngày. Tính ra, người vay phải chịu lãi suất gần 30%/tháng.

Tại tỉnh Tiền Giang, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành công an đã cảm hóa, giáo dục, cho làm cam kết không hoạt động cho vay nặng lãi với 134 đối tượng; tổ chức kiểm tra 5 băng nhóm với 26 đối tượng cho vay nặng lãi với lãi suất 20 - 30%/tháng. Tại tỉnh Bến Tre, trong dịp tết vừa qua, cơ quan chức năng đã tổ chức gần 500 cuộc tuyên truyền tại các tổ tự quản, khu dân cư, với hơn 11 nghìn lượt người dự. Nội dung tuyên truyền tập trung vạch trần hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng cho vay nặng lãi. Đồng thời đã mời gọi, giáo dục, buộc viết cam kết không vi phạm pháp luật của 55 nhóm, với 206 đối tượng hoạt động cho vay TDĐ và 110 đối tượng hoạt động riêng lẻ. Lực lượng phối hợp đã tháo gỡ và tiêu hủy hơn 11 nghìn tờ rơi, áp phích quảng cáo cho vay bất hợp pháp.

Những biện pháp căn cơ

Như đã biết, TDĐ và cho vay nặng lãi có đất sống là do có một bộ phận không nhỏ người dân nghèo, công nhân lao động (CNLĐ) có hoàn cảnh khó khăn gặp lúc “hữu sự” cần có tiền để giải quyết, trong khi họ không thể tiếp cận các nguồn tín dụng chính thống, nên đã “nhắm mắt” đến với TDĐ. Để loại trừ tận gốc TDĐ và cho vay nặng lãi, cần tạo nhiều kênh tín dụng chính thống dành cho người nghèo, CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, kể cả các quỹ tương trợ.

Tại tỉnh Bến Tre, để ngăn chặn, đẩy lùi nạn TDĐ, bên cạnh việc làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về hậu quả của việc tham gia hoạt động cho vay nặng lãi, vận động nhân dân cảnh giác, tránh sập bẫy, tố giác các tổ chức, cá nhân có hoạt động TDĐ để cơ quan chức năng xử lý, lãnh đạo tỉnh còn yêu cầu tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế của các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bến Tre chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tổ chức triển khai mạnh mẽ các quy định mới của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để người dân nhanh chóng được hưởng những chính sách ưu đãi mới. Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay.

Còn tại tỉnh Tiền Giang, LĐLĐ tỉnh đã rà soát, nắm tình hình nhiều đối tượng ở miền ngoài vào các địa bàn có đông CNLĐ để hoạt động TDĐ nhắm vào đối tượng là CNLĐ. Một mặt kiến nghị ngành ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi để CNLĐ dễ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, giúp họ nói không với TDĐ, các cấp CĐ tỉnh Tiền Giang còn ra tay giúp đỡ những CNLĐ đã “trót” vay nặng lãi, giúp họ trả hết nợ, đồng thời tổ chức các quỹ tương trợ trong tổ chức CĐ, CNLĐ để kịp thời hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, giúp họ nói không với TDĐ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn