MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ VIệt Nam Trần Thanh Hải chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Nam Dương

Quyết liệt thực hiện Chương trình "1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19

Nam Dương LDO | 22/04/2022 14:15
TPHCM - Từng LĐLĐ tỉnh, thành, Công đoàn ngành phải quán triệt tầm quan trọng, ý nghĩa của "Chương trình 1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” và xác định trọng điểm, nhận diện khó khăn, kịp thời, chủ động có giải pháp khắc phục khó khăn, nhất là ở cơ sở để đạt mục tiêu chương trình.

Lồng ghép vào chương trình thi đua của địa phương

Sáng 22.4, tại TPHCM, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Trần Thanh Hải đã chủ trì Hội nghị đánh giá thực hiện các chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam về công tác thi đua khen thường và tham gia ý kiến một số định hướng phục vụ xây dựng báo cáo chính trị Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Tham dự hội nghị có hơn 30 chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng các ban chuyên đề LĐLĐ các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ, Công đoàn Caosu Việt Nam và một số LĐLĐ quận, huyện có đông lao động tại TPHCM.

Ông Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - cho biết, để thực hiện "Chương trình 1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” (gọi tắt là Chương trình 1 triệu sáng kiến), LĐLĐ TPHCM đã sớm triển khai đến các đơn vị trực thuộc.

Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Phạm Chí Tâm (người đứng) khẳng định sẽ quyết tâm đạt chỉ tiêu sáng kiến trong giai đoạn 1. Ảnh: Nam Dương

Điều đáng ghi nhận là các Công đoàn (CĐ) cấp trên trực tiếp cơ sở đều có tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có văn bản chỉ đạo thực hiện, lồng ghép vào chương trình thi đua của địa phương và “Tháng Công nhân” năm 2022.

Bên cạnh đó, LĐLĐ thành phố còn giao trực tiếp cho cán bộ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Chương trình được đoàn viên CĐ, người lao động (NLĐ) tích cực hưởng ứng và dự đến ngày 31.5 sẽ có khoảng 50.000 sáng kiến, đạt chỉ tiêu đề ra.

Ông Nguyễn Văn Quý - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An - cho hay, ngay sau khi Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động phong trào, LĐLĐ tỉnh đã có kế hoạch triển khai kịp thời đến các CĐ trực thuộc. Việc giao chỉ tiêu gắn với công tác thi đua, khen thưởng ngay từ đầu năm và thông qua các CĐCS triển khai đến từng đoàn viên, CNVCLĐ, trong đó chú ý đến các đơn vị có đông lao động. Mỗi người chỉ cần ghi các ý tưởng sáng kiến rồi gửi đến các bộ phận tổng hợp để được xem xét, hỗ trợ triển khai trong thực tế. Hàng tuần, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đều có giao ban, bám sát thực tế để có chỉ đạo kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Quý - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Long An - báo cáo về việc thực hiện giai đoạn 1 của Chương trình 1 triệu sáng kiến. Ảnh: Nam Dương

“Việc triển khai phải quyết liệt ngay từ đầu, tham mưu cho cấp ủy có chỉ đạo, phối hợp chính quyền để thực hiện và có phân công cán bộ theo dõi, thực hiện để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Mục tiêu trong năm 2022 phải đạt khoảng 90% chỉ tiêu được giao cho toàn bộ chương trình”, ông Quý nói.

Đại diện LĐLĐ một số tỉnh, thành có số lượng sáng kiến còn thấp, đã thẳng thắn thừa nhận các nguyên nhân chưa đạt chỉ tiêu đề ra như cán bộ được giao nhiệm vụ chưa thực sự tập trung cho Chương trình 1 triệu sáng kiến; công tác truyền thông về chương trình đến cơ sở còn chưa tốt; cán bộ được phân công thực hiện còn chưa tập trung cho công việc; cán bộ CĐ phụ trách công tác thi đua khen thưởng thường xuyên thay đổi; nhiều nơi tuy công nhân có sáng kiến nhưng doanh nghiệp lại cho rằng đó là bí mật sản xuất, kinh doanh nên không muốn công khai…

Cần hình thành tổ hỗ trợ sáng kiến tại cơ sở

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải đã thẳng thắn chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến việc một số đơn vị chưa đạt chỉ tiêu đề ra, trong đó có trách nhiệm, sự quan tâm của cán bộ của lãnh đạo, cán bộ trực tiếp thực hiện chương trình.

Đại diện LĐLĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Nam Dương

Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải đặc biệt nhấn mạnh, "Chương trình 1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19" được lãnh đạo Trung ương đánh giá cao nhằm góp phần khôi phục kinh tế đất nước sau đại dịch COVID-19. Do đó, lãnh đạo các LĐLĐ tỉnh, thành, CĐ ngành phải quán triệt đúng ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình theo hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam để có trách nhiệm, thái độ quyết liệt thực hiện.

Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải cũng nhắc nhở các cấp Công đoàn cần có sự thay đổi về khái niệm về sáng kiến, cải tiến so với Chương trình “75.000 sáng kiến vượt khó, phát triển” trước đây.

“Có những sáng kiến, cải tiến phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, do các chuyên gia, nhà nghiên cứu thực hiện vì có giá trị lớn trong phạm vi rộng. Nhưng có những sáng kiến lại gắn với thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh tại sơ sở, doanh nghiệp trong quá trình làm việc, xuất phát từ ý tưởng của CNLĐ trực tiếp, nên các cấp CĐ, nhất là ở cơ sở cần quan tâm, giúp đỡ để thực hiện. Do đó, các cấp Công đoàn, nhất là CĐCS cần hình thành tổ hỗ trợ sáng kiến tại cơ sở, từ gợi mở, tiếp nhận, hướng dẫn, giúp đỡ đoàn viên tham gia nộp sáng kiến, quản lý, tổng hợp và thực hiện nhiệm vụ quản trị sáng kiến, có cơ chế phù hợp, tạo điều kiện và động viên cán bộ trong tổ hỗ trợ sáng kiến thực hiện nhiệm vụ của mình” - Phó Chủ tịch Thường Trực Trần Thanh Hải gợi mở.

Nguyễn Văn Khánh (người đúng) - Trưởng Ban Chính sách, Pháp luật và Quan hệ lao động, Công đoàn Caosu Việt Nam - báo cáo kết quả thực hiện Chương trình 1 triệu sáng kiến. Ảnh: Nam Dương

Bên cạnh đó, từng LĐLĐ tỉnh, thành, Công đoàn ngành phải xác định trọng điểm của “Chương trình 1 triệu sáng kiến” và nhận diện khó khăn, đồng thời kịp thời, chủ động có giải pháp khắc phục khó khăn, nhất là ở cơ sở để đạt mục tiêu chương trình.

Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải cũng lưu ý các cấp Công đoàn cần tăng cường truyền thông, tuyên truyền để CNVCLĐ hiểu rõ ý nghĩa của “Chương trình 1 triệu sáng kiến”, từ đó, CNVCLĐ phát huy lao động sáng tạo, nỗ lực tham gia giúp cho doanh nghiệp, đơn vị vượt qua khó khăn. Đó cũng chính là cách thức giúp cải thiện việc làm, đời sống, thu nhập cho người lao động. Đồng thời, cũng là đổi mới cách thức hoạt động của tổ chức Công đoàn, giúp cho người sử dụng lao động, xã hội có cái nhìn đúng đắn về vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn.

“Chỉ khi người lao động thấy được giá trị của sáng kiến, cải tiến, thì họ mới tích cực tham gia. Và khi người lao động đam mê, cháy hết mình với công việc thì sẽ có sáng kiến, cách làm hay” - Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn