MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công ty TNHH Sản xuất Thương mại XNK Ngũ Lâm Việt (Đồng Nai) vẫn duy trì việc làm cho người lao động trong khi đơn hàng giảm. Ảnh: Hà Anh Chiến

Rà soát nhu cầu nhân lực từng ngành để cung ứng lao động

ANH THƯ LDO | 07/01/2023 16:56
Số lao động bị ảnh hưởng đến việc làm là 637.000 người, chủ yếu ở các ngành may mặc, dệt may, chế biến gỗ tại các tỉnh phía Nam.

Người lao động giảm thu nhập

Anh Nguyễn Vi Đông (SN 1992, Thanh Ba, Phú Thọ) đã làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) trọn 4 năm.

Đây cũng là khoảng thời gian anh phải xa vợ con, kiếm sống cho cả gia đình. Công ty anh Đông là một trong những công ty không bị giờ làm, công nhân vẫn làm việc đều đặn một ngày 8 tiếng. Thu nhập trung bình một tháng của anh cũng khoảng trên 7 triệu đồng.

Mỗi tháng anh gửi về cho vợ con khoản 3-4 triệu đồng. "Vợ tôi ở nhà làm ruộng và chăm hai con nhỏ, một cháu 4 tuổi, một cháu học lớp 1. Riêng tiền học của hai đứa đã tốn gần hết số lương của tôi rồi” - công nhân này chia sẻ.

Khu trọ anh Đông đang thuê suốt những năm làm công nhân. Ảnh: Anh Thư

Ngoài doanh nghiệp của anh Đông bị ảnh hưởng đơn hàng, nhiều đơn vị khác ở khu vực phía Nam cũng chịu tác động mạnh của việc này.

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại XNK Ngũ Lâm Việt (xã Phước Tân, TP.Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) chuyên sản xuất gỗ xuất khẩu với khoảng 500 công nhân lao động. Nhưng từ nhiều tháng nay, số lao động đã giảm chỉ còn khoảng một nửa do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thu nhập người lao động giảm mạnh.

Theo đó, vào cuối năm 2021, doanh nghiệp này có rất nhiều đơn hàng, công nhân có việc làm và thu nhập ổn định. Song từ tháng 3 - 4.2022 đơn hàng bắt đầu sụt giảm, đến tháng 6.2022 thì hàng không xuất đi được. Trước đây, mỗi tháng công ty xuất khẩu được từ 80-90 container hàng, nhưng nay chỉ xuất đi được từ 10-15 container hàng. 

Thiếu đơn hàng, công ty cũng chỉ giữ được 50% việc làm cho người lao động. Nếu trước đây, công nhân được làm việc và tăng ca 12 tiếng/ngày vào cả thứ bảy và chủ nhật, thì hiện nay công nhân chỉ làm việc 8 tiếng, không tăng ca và mỗi tuần cũng chỉ làm 5 ngày.

Từ tháng 10.2022 đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực có xu hướng giảm, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng, một số doanh nghiệp giảm lao động, giảm giờ làm tạm thời.

Qua thống kê của bộ này, đã có 528 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng cục bộ, chiếm khoảng 0,06%. Số lao động bị ảnh hưởng là 637.000 người, chiếm 4%, trong đó có 53.000 người mất việc làm, chủ yếu ở các ngành may mặc, dệt may, chế biến gỗ tại các tỉnh phía Nam.

Giải pháp khắc phục

Để khắc phục cũng như lường trước được những khó khăn sắp tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ để trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.

Trong đó, hoàn thiện khung pháp lý, rà soát sửa đổi các quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm.

Bộ này cho rằng phải khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực. Tổ chức đào tạo, cung ứng kịp thời nhân lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động, trong đó tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế tạo nhiều việc làm bền vững.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nghiên cứu đề xuất các chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động sinh sống ở địa bàn huyện nghèo, khó khăn; hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo… để họ tham gia vào thị trường lao động, có việc làm bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn