MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Rơi nước mắt cảnh công nhân phải tằn tiện từng bữa ăn do dịch

Minh Phương LDO | 01/12/2020 17:16

Sinh ra từ vùng quê nghèo, học hết cấp 2, nhiều công nhân xa quê đi làm công ty để mưu sinh. Nhưng dù vậy, họ không dám nghĩ đến tương lai, vì lương cầm về ít mà có đến trăm thứ phải lo.

Sinh năm 1998, Thương - hiện là công nhân Công ty TNHH Linh kiện Điện tử SEI (Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội).

Thương sinh ra ở một vùng quê nghèo ở Hà Tĩnh, đã vậy, mưa lũ về là mất trắng. Như đợt lũ vừa rồi, Thương mất ngủ vì lo cho gia đình ở nhà. Tuy nhà Thương không bị ngập nhưng mùa màng cũng hư hỏng hết.

Thương - Công nhân Công ty TNHH Linh kiện Điện tử SEI đang thuê trọ ở gần nơi làm. Ảnh: M.Phương

Học hết cấp 2, Thương nghỉ ở nhà giúp bố mẹ việc đồng áng, đủ tuổi mới ra Hà Nội xin đi làm công nhân. Mới đó mà đã 3 năm, một mình Thương bám trụ ở thành phố.

Hiện Thương đang thuê trọ ở gần nơi làm, một tháng tính cả điện nước hết 600.000 đồng. Hỏi về thu nhập, Thương thoáng đượm buồn vì dạo này công ty không còn nhiều việc như trước do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Mỗi ngày, Thương làm việc 8 tiếng, không tăng ca hay làm ca kíp thì cầm về được 5 triệu đồng/tháng. Với số tiền lương đó, Thương chỉ giữ cho mình 2 triệu đồng để đóng tiền nhà và chi phí sinh hoạt, còn lại cô gửi về cho bố mẹ.

Phải tằn tiện lắm, Thương mới duy trì sinh hoạt được với mức chi tiêu 2 triệu đồng mỗi tháng. Quần áo mặc hầu hết được các anh chị trọ trong xóm trọ cho, nấu ăn hằng ngày, cô cùng mọi người nấu cơm chung.

"Tháng nào cũng "đều như vắt tranh", em gửi về cho bố mẹ 3 triệu đồng. Bố mẹ ở quê bệnh tật, không còn sức lao động. Nguồn thu của họ đều trông chờ vào thửa ruộng" - Thương nói.

Thương hiện là lao động chính trong gia đình, sau cô còn có 3 người em đang tuổi ăn, tuổi học.

Gần một năm nay Thương chưa về quê vì là lao động chính trong gia đình, không dám xin nghỉ phép. Ảnh: M.Phương

Chia sẻ về chuyện cá nhân, Thương bảo dù năm nay đã 22 tuổi, độ tuổi này nhiều bạn bè ở quê đã lập gia đình rồi sinh con nhưng cô chưa nghĩ đến chuyện yêu đương.

"Gánh nặng trên vai, đồng lương ít ỏi, em không dám nghĩ tới tương lai sau này mình sẽ trở thành người thế nào hay có lập gia đình hay không. Được tháng nào tốt tháng đó. Hiện em chỉ mong công ty ổn định trở lại để có nhiều việc làm" - Thương bày tỏ.

Gần một năm nay Thương chưa về quê, chỉ còn vài tháng thôi là Tết đến, Thương hy vọng năm nay cũng có lương tháng 13 để mua quà về cho các em...

Một hoàn cảnh cũng nhiều bộn bề lo toan khác là chị Trần Thị Phượng – công nhân Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI. Chị Phượng quê Hà Tĩnh, đang nuôi con học lớp 3 nhưng đã ly hôn chồng. Ở quê khó xin việc, chị gửi con cho bà ngoại để ra Hà Nội xin làm công nhân.

Ra thành phố không người thân, ban đầu chưa xin được việc làm, chị Phượng cho hay, tiền đóng phòng trọ, tiền học cho con cùng lúc dồn dập kéo đến, chị không biết xoay sở thế nào.

"Khi đó nước mắt chảy dài, nghĩ mà bất lực. Không có tiền đúng là khổ sở, có nhiều lúc trong túi tôi cạn kiệt, bữa ăn chỉ có bát cơm và chén nước mắm" - chị Phượng bày tỏ.

Mới xin vào Cty, lương của chị Phượng chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng, do dịch COVID-19 ảnh hưởng, công ty của chị cũng ít việc nên không được tăng ca.

Với số tiền đó quả là không đủ để chị thu vén cho mình, mẹ già và đứa con. Sau thời gian làm hành chính ở công ty, chị Phượng xin làm giúp việc cho nhà người dân gần đó. Hôm nào cũng vậy, “đầu tắt mặt tối”, 8 giờ sáng bắt đầu công việc đến 21h30.

Nói về dự định tương lai, chị Phượng bảo: “Khó mà có tương lai”!. Mệt mỏi, chị tính chỉ làm ở công ty thêm vài năm nữa rồi cũng về quê.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn