MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân nghỉ việc giữ sổ BHXH chờ quay lại thị trường lao động đóng tiếp. Ảnh: Đình Trọng

Rút BHXH một lần thiệt thòi đủ đường, công nhân giữ sổ để chờ

Đình Trọng LDO | 14/04/2022 12:27
Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp, có khoảng 1,6 triệu lao động, mỗi năm có trên 100.000 người kết thúc hợp đồng lao động. Đáng chú ý, nhiều người ý thức được điểm bất lợi khi rút BHXH 1 lần nên giữ sổ chờ quay lại thị trường lao động để đóng tiếp.

Giải quyết được khó khăn trước mắt, thiệt thòi về lâu dài

Hai năm qua, do dịch bệnh COVID-19 đã tác động xấu đến thị trường lao động. Nhiều công nhân bị ngừng việc, mất việc, do ở trọ đời sống bấp bênh, nên nhiều người muốn trở về quê.

Điều này đã tác động đến quyết định rút BHXH một lần của người lao động tại Bình Dương. Trong năm 2021 có 60.000 người nộp hồ sơ nhận BHXH một lần.

Cơ quan BHXH Bình Dương cho biết, quý I/2022, có 16.100 người lao động nộp hồ sơ nhận BHXH 1 lần, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thành phố Thuận An có 4.400 hồ sơ, thị xã Tân Uyên 3.000 hồ sơ văn phòng BHXH tỉnh tiếp nhận 2.800 hồ sơ.

Chị Nguyễn Thị Vân (33 tuổi, quê Hà Tĩnh) là một trong số lao động thấy rõ sự thiệt thòi ngay khi rút  BHXH một lần.

“Tôi làm việc và đóng BHXH từ năm 2013-2018. Sau đó do sinh con, không theo được công việc nên phải chấm dứt hợp đồng lao động với công ty. Ban đầu vẫn giữ sổ BHXH chờ quay lại thị trường lao động để đóng tiếp. Tuy nhiên năm 2021 kinh tế gia đình khó khăn, tôi đành phải đi rút BHXH chế độ một lần. Số tiền nhận được là 30 triệu đồng, đủ trả nợ, trang trải được 2 tháng. Điều bất ngờ cuối năm 2021 tôi bị bệnh phải nhập viện cấp cứu, lúc này thẻ BHYT đã hết hạn nên tôi phải đóng viện phí một khoản lớn”.

Về nguyên nhân người lao động hưởng BHXH một lần, một lãnh đạo BHXH tỉnh Bình Dương phân tích, hiện nay do yếu tố dịch bệnh nhiều người lao động sau một thời gian làm việc ở Bình Dương có tâm lý trở về quê. Vì vậy muốn rút BHXH một lần để gom tiền xây nhà hoặc có vốn làm ăn, chi tiêu, giải quyết khó khăn... Tuy nhiên thực tế, sau ít tháng về quê, không có việc làm, không có thu nhập đều đặn, cuộc sống tiếp tục khó khăn. Sau đó người lao động phải trở lại các đô thị công nghiệp để tìm việc. Việc rút BHXH một lần là rất đáng tiếc.

Theo ông Nguyễn Duy Hiểu - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương - trường hợp người lao động không đi làm việc nữa vẫn có thể tham gia BHXH tự nguyện và tham gia BHYT hộ gia đình. Việc rút bảo hiểm một lần chỉ giúp lao động giải quyết khó khăn trước mắt, song về lâu dài, nhất là khi đến tuổi già không có lương hưu sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. 

Nhiều người giữ sổ BHXH chờ quay lại thị trường lao động

Qua ghi nhận, những ngày gần đây số công nhân kết thúc hợp đồng lao động tăng. Tại các Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương số lượng người làm hồ sơ hưởng trợ cấp xã hội cũng đông hơn. Ngày 12.4, hàng trăm người chen chúc nhau tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương để làm thủ tục sau khi kết thúc hợp đồng lao động. Phía trong tòa nhà Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương đông chật kín người làm hồ sơ. Bên ngoài sân hàng trăm người cũng chen chúc chờ gọi tên. 

Anh Phạm Tấn Thanh (33 tuổi, ngụ Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cho biết, anh làm tài xế đã 7 năm. Cuối năm 2021 do công ty giải thể nên anh bị mất việc làm. Năm 2022 vẫn chưa tìm được việc làm mới nên đi thực hiện hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

“Tôi đã đóng BHXH được 7 năm, tôi giữ lại để chờ quay lại thị trường lao động và tiếp tục đóng BHXH chứ không rút 1 lần. Nếu rút cũng chỉ được một khoản tiền nhỏ, chi tiêu ít bữa là hết. Hơn nữa sau này về già nếu không có lương hưu, sẽ không có tiền trang trải cuộc sống” - anh Thanh chia sẻ.

Cùng quan điểm này, anh Lê Văn Lĩnh (34 tuổi, quê Hà Tĩnh, ngụ phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát) cũng chia sẻ: “Mình về Bình Dương đi làm công nhân đã đóng BHXH được 12 năm. Do ảnh hưởng dịch COVID bị mất việc làm nên đang làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Dự định là nghỉ một thời gian sau đó sẽ đi tìm việc và tiếp tục đóng BHXH chứ không hưởng một lần”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn