MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đề xuất rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc giúp mở rộng đối tượng hưởng lương hưu cũng như giảm thiểu tình trạng rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Ảnh: Hải Nguyễn

Rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội, ngăn làn sóng rút hưởng 1 lần

Vương Trần LDO | 01/08/2023 06:05

Các chuyên gia cho rằng, rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ 20 năm xuống còn 15 năm rất thuận lợi cho người lao động, giúp mở rộng đối tượng hưởng lương hưu cũng như giảm thiểu tình trạng rút BHXH 1 lần.

Giảm thiểu tình trạng rút bảo hiểm xã hội 1 lần

Tại Nghị quyết số 114/NQ-CP phiên họp Chính phủ tháng 7 về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chính phủ thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đánh giá dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có nhiều nội dung phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến hệ thống an sinh xã hội và người lao động.

Đáng chú ý, tại nghị quyết này, Chính phủ cơ bản thống nhất đối với các vấn đề như giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi; mở rộng nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc…

Đề xuất giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Trao đổi với Lao Động, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho rằng, rút ngắn thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm rất thuận lợi cho người lao động, giúp mở rộng đối tượng hưởng lương hưu cũng như giảm thiểu tình trạng rút BHXH 1 lần.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách-pháp luật, Tổng LĐLĐVN. Ảnh: Lâm Thảo

“Nhiều người khi không đủ điều kiện hưởng hưu trí phải rời khỏi hệ thống bằng cách rút BHXH 1 lần, như vậy việc giảm số năm đóng là rất tốt. Tuy nhiên, ngoài việc giảm năm đóng sẽ cần nhiều chính sách khác đi kèm, hướng tới một hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt" - ông Quảng phân tích.

Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương - cho rằng, việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 năm có ý nghĩa khá tích cực đối với người lao động và đối với cả ngành BHXH.

Phân tích cụ thể, đại biểu Nga cho hay, với người lao động, việc giảm thời gian tối thiểu đóng BHXH sẽ tạo điều kiện cho những người tham gia BHXH muộn.

Vì lý do nào đó, người lao động không tham gia BHXH khi còn trẻ tuổi, đến độ tuổi trung niên (40-45 tuổi) họ mới tham gia BHXH. Theo đó, nếu giữ nguyên quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu là 20 năm thì những đối tượng này sẽ không tham gia được.

Bên cạnh đó, còn những người lao động không đóng BHXH liên tục mà đóng ngắt quãng thì việc giảm thời gian tối thiểu cũng sẽ có nhiều người lao động đủ số năm tham gia và được hưởng hơn.

Với BHXH, khi có nhiều người lao động tham gia đóng BHXH thì diện bao phủ sẽ rộng hơn, BHXH sẽ phát triển hơn.

Lương hưu thấp còn hơn là không có

Tuy vậy, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, hiện cũng còn những ý kiến lo ngại việc nếu giảm thời gian tối thiểu đóng BHXH thì lương hưu của người lao động sẽ rất thấp, khó đảm bảo cuộc sống.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: T.Vương

Tuy nhiên, nữ đại biểu đoàn Hải Dương cho rằng, đây là điều không đáng lo ngại. Bởi lẽ đề xuất giảm thời gian đóng tối thiểu là để hướng tới những đối tượng người lao động như đã nêu ở trên - là những người mà nếu không giảm thời gian đóng tối thiểu thì họ không có cơ hội được tham gia BHXH, đồng nghĩa với việc không có lương hưu. Cho nên lương hưu thấp còn hơn không có.

“Ngoài lương hưu, khi tham gia BHXH, người lao động còn được hưởng nhiều quyền lợi an sinh khác. Cho nên tôi hoàn toàn ủng hộ việc giảm thời gian tối thiểu đóng BHXH xuống còn 15 năm” - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm.

Về lo ngại lương hưu thấp khi giảm số năm đóng BHXH, ông Lê Đình Quảng cho rằng, khi giảm số năm đóng BHXH, dù có mức hưởng lương hưu thấp thì chế độ hưu trí vẫn đảm bảo đời sống cho người lao động hơn là khi không có chế độ an sinh của Nhà nước.

Điều quan trọng nhất vẫn cần phải cân đối lại tỉ lệ hưởng lương hưu tương ứng 15 năm đóng, làm sao để có mức sàn nhất định đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho những người về hưu.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, bình quân mỗi năm, gần 700.000 người rút BHXH một lần với số lượng năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%.

Cũng theo thống kê, người hưởng BHXH một lần tập trung đông nhất ở nhóm tuổi từ trên 30 đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 40,4%). Nhóm từ 20 đến 30 tuổi chiếm 37,1%... Như vậy, người hưởng BHXH một lần từ trên 20-40 tuổi chiếm 77,5% tổng số người rút.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn