MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân lao động mang nặng nỗi lo bị bỏ rơi trước làn sóng sa thải. Ảnh: Phương Thảo

Sa thải lao động "già" càng làm bài toán an sinh xã hội thêm khó

Hoài Luân - Phương Thảo LDO | 24/10/2023 09:58

Trước làn sóng sa thải công nhân lao động lớn tuổi, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam) nhận định, đây là tình trạng đáng báo động hiện nay. Bởi điều này sẽ càng làm cho bài toán an sinh xã hội thêm khó nếu doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm nhân sự.

Công nhân sợ cảnh "đem con bỏ chợ"

Một ngày giữa tháng 10.2023, chúng tôi lại tìm về xã Kim Chung (huyện Đông Anh), nơi được xem có lượng công nhân lao động đông đúc nhất tại Hà Nội. Và như mọi ngày, điệp khúc nhà máy - nhà trọ và ngược lại hầu như đã chiếm hết khoảng thời gian của những lao động đang làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long.

Đi sâu vào một dãy trọ, trước mắt chúng tôi là hình ảnh cặm cụi chuẩn bị bữa tối sau giờ tan làm của chị Nguyễn Thị Hoài (quê Nghệ An), công nhân lao động Công ty TNHH Canon Việt Nam. Căn phòng chật hẹp, chưa đầy 10m2 này là “nơi ăn chốn ở” của vợ chồng chị suốt nhiều năm qua.

Với mức lương ngót nghét 7 triệu đồng/tháng, chị chỉ đủ để trang trải cuộc sống ở Hà Nội. “Nếu không may bị sa thải thì chỉ biết về quê, chứ ở cái tuổi ngoài 40 thì rất khó xin việc vào các công ty khác vì họ thường ưu tiên tuyển dụng người trẻ“, chị Hoài trải lòng.

Một khu trọ cho công nhân tại thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Hoài Luân

Cùng mong muốn có một công việc và mức thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống nơi đất khách quê người, chị Tống Thị Bình (Hà Tĩnh) đã gắn bó với Công ty TNHH Panasonic Việt Nam suốt 15 năm nay.

Dù tuổi đã chạm ngưỡng 40, nhưng gánh nặng cơm áo gạo tiền vẫn luôn đè nặng trên vai người phụ nữ nhỏ nhắn này. Cùng với đó, nỗi lo bị bỏ lại phía sau khiến chị luôn canh cánh trong lòng, bởi chị hiểu, mình đã không còn ở trong độ tuổi mà các công ty ưu tiên tuyển dụng lao động.

“Khi công ty gặp khó khăn, những công nhân ở cái tuổi như tôi dễ là đối tượng đầu tiên bị sa thải, do không còn nhanh nhẹn, đáp ứng tốt năng suất công việc như những người trẻ. Nếu nghỉ về quê thì lại không có công việc ổn định, lương thấp, không có tiền trang trải cuộc sống“, chị Bình tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Hoài đang chuẩn bị bữa tối sau tan giờ làm. Ảnh: Phương Thảo

Làm việc ở Công ty TNHH ToTo Việt Nam gần chục năm nay, anh Đỗ Văn Sơn (quê Thanh Hoá) chia sẻ, việc "thay máu" lao động của các công ty cũng không có gì lạ lẫm với những công nhân như anh. Tuy nhiên, với anh Sơn, khi công nhân đã dành cả tuổi trẻ, công sức để cống hiến cho công ty mà lại bị sa thải khi có tuổi thì không khác gì họ bị rơi vào cảnh "đem con bỏ chợ".

Anh Đỗ Văn Sơn bầu bạn bên chiếc điện thoại sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi. Ảnh: Hoài Luân

"Tôi mong các công ty sẽ có những chính sách hợp lý để người lao động lớn tuổi không phải lo lắng cảnh sa thải, mất việc, để công nhân chúng tôi được ổn định cuộc sống", anh Sơn bày tỏ.

Làn sóng sa thải là điều đáng báo động

Nói về những lo lắng của công nhân lao động lớn tuổi, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia nhận định, chính sách thải loại lao động cao tuổi là một hiện trạng đã có khá lâu và là điều đáng báo động.

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia phân tích về tình trạng sa thải lao động. Ảnh: Hoài Luân

Với những lao động này, doanh nghiệp phải trả lương cho họ theo chế độ thâm niên. Bên cạnh đó, lao động càng có tuổi thì sức khỏe càng yếu, độ nhanh nhạy kém đi nên khó đáp ứng được hiệu suất công việc.

“Để giảm thiểu tình trạng sa thải lao động lớn tuổi, chúng ta phải nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đồng thời, bản thân người lao động cũng phải có những cái đổi mới để thích nghi với cơ chế thị trường hiện nay theo quy định của pháp luật. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra, người lao động lớn tuổi sẽ khó xin việc ở đơn vị mới, và họ sẽ có tâm lý rút bảo hiểm xã hội một lần, điều này ảnh hưởng đến việc an sinh xã hội.

Trong trường hợp bắt buộc phải cho người lao động thôi việc, các doanh nghiệp cần phải có những chính sách hỗ trợ thêm để giúp người lao động ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn khi chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp“, ông Lê Đình Quảng nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn