MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người tìm việc tại Phiên chợ việc làm tỉnh Quảng Nam đầu năm mới 2023. Ảnh: Diễm Lệ

Sàn giao dịch việc làm tạo cơ hội xuất khẩu lao động cho lao động nông thôn

Tường Minh LDO | 07/02/2023 11:04

Quảng Nam mở màn phiên giao dịch việc làm đầu năm mới 2023 ở huyện Đại Lộc với hơn 7.000 vị trí việc làm ở trong và ngoài nước.

Tìm lao động sang Lào và Campuchia

Phiên giao dịch việc làm đầu tiên trong năm mới 2023 của tỉnh Quảng Nam, tổ chức ngày 2.2 tại huyện Đại Lộc, thu hút 15 doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp và gián tiếp qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, với 7.090 vị trí việc làm trong và ngoài nước. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đến tuyển sinh người học nghề. Các ngành nghề tuyển dụng gồm: May mặc, da giày, cơ khí, nhân viên bán hàng, nhà hàng khách sạn...

Ông Phan Tiềm, đại diện Tập đoàn Thaco cho biết: “Thaco đến với phiên giao dịch việc làm này vừa tuyển sinh học nghề tại Trường Cao đẳng Thaco để cung cấp nhân lực cho tập đoàn và tuyển dụng lao động làm việc ở Chu Lai (Quảng Nam), Lào, Campuchia. Thaco tuyển dụng lao động ở nhiều ngành như lắp ráp ôtô, cơ khí, may, logistic, thương mại dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao. Nhu cầu của Thaco cần là 4.000 người đi nước ngoài, và 1.200 người làm việc tại Chu Lai. Thaco sẽ tiếp tục có mặt tại các sàn giao dịch việc làm trong tỉnh để tuyển sinh và tuyển dụng lao động”.

Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, sàn giao dịch việc làm được khởi động đầu năm đã tạo không khí sôi nổi trong xúc tiến kết nối, giới thiệu việc làm cho người LĐ của huyện. Năm 2022, Đại Lộc có 1.621 lượt LĐ có việc làm, trong đó hơn 170 LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỉ lệ LĐ qua đào tạo đạt 84,56%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 38,86%. Hiện nay, trong tổng số hơn 400 DN hoạt động trong toàn huyện, có 33 DN hoạt động trong các cụm công nghiệp, làng nghề và thường xuyên đáp ứng nhu cầu việc làm cho hơn 6.400 LĐ, chiếm 41,75% lực lượng LĐ ngành công nghiệp toàn huyện.

Cơ hội đi nước ngoài của LĐ nông thôn

Theo ông Lê Văn Quang, nhu cầu tìm việc và học nghề của người lao động, việc đào tạo và chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện vẫn luôn cao. Sàn việc làm huyện Đại Lộc năm 2023 được khởi động ngay tại trung tâm của huyện hy vọng sẽ giúp người lao động tiếp cận với việc làm hiệu quả. Các hoạt động gặp gỡ, trao đổi, sơ tuyển, phỏng vấn, tuyển dụng lao động, đăng ký tìm việc làm, làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tư vấn đào tạo nghề, giải quyết việc làm sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động kết nối cung - cầu lao động. Các cơ sở dạy nghề cũng có cơ hội tự giới thiệu về mình với các học viên, từ đó tạo sự sôi nổi cho thị trường lao động, kích thích sự phát triển các hoạt động về việc làm, dạy nghề ngày càng chất lượng hơn.

Điều đặc biệt là phiên giao dịch việc làm đầu năm tại huyện Đai Lộc của tỉnh Quảng Nam có mặt bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH). Bà Lan khẳng định Trung tâm luôn hỗ trợ tích cực cho các tỉnh, đặc biệt là lao động thuộc vùng nông thôn, huyện nghèo được tiếp cận với các chương trình đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài phi lợi nhuận. Từ đó, giúp lao động không chỉ có thu nhập cao mà còn được đào tạo về trình độ tay nghề, kỹ năng, sau khi hoàn thành làm việc ở nước ngoài có thể tự khởi nghiệp và bổ sung vào nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, sàn giao dịch việc làm là cơ hội kết nối việc làm giữa doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động. Các phiên giao dịch việc làm về từng địa phương sẽ giúp địa phương giải quyết việc làm, giúp doanh nghiệp tìm được nguồn lao động đúng nhu cầu. Vì vậy các sàn giao dịch việc làm cần được duy trì và tổ chức tốt hơn trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn