MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Nga hy vọng những lao động tự do sẽ được hỗ trợ tối đa để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh: Thu Thảo

Sẵn sàng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để nghỉ hưu sớm

LƯƠNG HẠNH - THU THẢO LDO | 31/08/2023 11:21

Bộ LĐTBXH đề xuất, lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện trước tháng 7.2025 có thể hưởng lương hưu ở tuổi 55 với nữ và 60 tuổi với nam. Người lao động bày tỏ, nếu đề xuất này được thông qua, họ sẵn sàng tham gia BHXH tự nguyện để sớm chạm vào lương hưu, không lo phụ thuộc con cái khi về già.

Chị Phạm Thuỳ Lương (21 tuổi, Hà Nội) đã đi làm công việc của một freelancer (người làm nghề tự do) được 2 năm. Chị cũng dự định tiếp tục làm công việc tự do trong tương lai. Vì không làm việc cố định tại một đơn vị, doanh nghiệp, chị Lương bối rối khi có ý định tham bảo hiểm xã hội tự nguyện.

“Hiện tại, mức thu nhập của tôi không đều đặn hàng tháng mà đến vào tuỳ dự án. Thế nhưng, nếu mỗi tháng bỏ ra một khoản tiền để khi về già có lương hưu, đảm bảo cuộc sống khi về già và nhất là có thể hưởng lương hưu sớm thì tôi chắc chắn sẽ tham gia” - chị Lương tâm sự.

Còn bà Kiều Thị Nga (47 tuổi, Hà Nội) quanh quẩn với đồng ruộng từ khi mới 17 tuổi, tính đến nay đã được 30 năm. Bà chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

“Tôi không có thu nhập cố định, tiền lãi sau khi buôn bán thường đổ về theo vụ mùa. Cuộc sống cũng nhiều bấp bênh và khó khăn” - bà Nga nói.

Sau khi biết đến thông tin lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện trước tháng 7.2025 có thể hưởng lương hưu ở tuổi 55 với nữ và 60 tuổi với nam, bà Nga bộc bạch: “Nếu Nhà nước có chính sách đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để nghỉ hưu sớm thì tôi rất vui. Đây cũng là cơ hội để tôi tích luỹ cho cuộc sống sau này đỡ vất vả. Những người làm tự do như tôi cũng có cái gọi là lương hưu. Tôi rất sẵn sàng tham gia”.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung quy định chuyển tiếp liên quan tới người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước khi Luật mới có hiệu lực (dự kiến từ 1.7.2025).

Cụ thể, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.

Khi nghỉ hưu ở tuổi này, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không bị trừ tỉ lệ hưởng lương hưu như với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi.

Trong khi đó, với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, để được hưởng lương hưu ngoài điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội hiện hành là tối thiểu 20 năm, thời gian tới có thể giảm xuống 15 năm (theo đề xuất tại dự thảo Luật sửa đổi), thì còn phải đạt điều kiện tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động.

Từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh tăng theo lộ trình mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035. Năm 2023 là năm thứ 3 thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, lao động nam sẽ nghỉ hưu từ đủ 60 tuổi 9 tháng, nữ từ đủ 56 tuổi. Trường hợp nghỉ hưu trước tuổi thì mỗi năm về hưu trước tuổi sẽ bị trừ tỉ lệ 2% mức hưởng lương hưu.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết năm 2022, cả nước có hơn 1,46 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 1% so với năm 2021.

Nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, ngoài đề xuất thay đổi về điều kiện hưởng lương hưu như trên, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn