MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chiều mùng 5 Tết, anh Thanh trở lại Thủ đô để đến nhà máy làm việc vào ngày hôm sau. Ảnh: Anh Thư

Sẵn sàng trở lại nhà máy

Anh Thư LDO | 28/01/2023 15:00

Sau Tết Nguyên đán, những công nhân làm việc ở xa quê lại lỉnh kỉnh đồ đạc trở về Thủ đô chuẩn bị cho ngày làm việc đầu tiên trong năm mới. Họ mong muốn có sức khoẻ, công ty tạo nhiều công ăn, việc làm để có thu nhập tốt hơn trong năm mới.

Vượt chặng đường dài xuống Thủ đô

Tết năm nay đối với chị Lường Thị Mến (quê ở Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) không mấy dư dả do công ty bị giảm đơn hàng. Song, được trở về sum họp với bố mẹ, hai con tại quê nhà giúp chị xua tan những mệt mỏi, vất vả trong năm qua. Do chưa nhiều việc, nên công ty mà chị đang làm việc bắt đầu trở lại làm việc vào ngày 30.1.  

Vì vậy, chị được nán lại một vài ngày ở bên gia đình. Chị Mến mong rằng, năm nay sẽ bận rộn hơn với công việc, được tăng ca đều để có thu nhập ổn định. Đằng sau chị còn bố mẹ già và hai con nhỏ. Nên chị lúc nào cũng cố gắng, nỗ lực làm việc thật chăm chỉ, đạt hiệu quả cao.

Chị Mến chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ đi xuống nhà trọ ở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội), bố mẹ lại chuẩn bị cho vài cái bánh chưng, rau nhà trồng, mấy quả bưởi... Chặng đường đi từ Đà Bắc xuống Hà Nội  xa, nhưng để bố mẹ vui lòng tôi cũng cố gắng mang đi hết”.

Theo dự định, sáng 29.1, chị bắt đầu bắt xe khách từ Hoà Bình xuống Hà Nội.

“Tôi phải đi 3 chặng xe khách khác nhau mới xuống được đến nhà trọ. Nhà ở xa, nên đi lại vô cùng vất vả. Thông thường 7 giờ sáng tôi khởi hành, thì đến 16h mới bước chân được vào phòng trọ”.

Theo công nhân này, chị phải bắt xe khách từ nhà xuống bến xe Hoà Bình. Sau đó từ bến xe này tiếp tục bắt xe về bến xe Mỹ Đình. Vượt chặng đường xa, người mệt nhoài, song chị Mến lại tiếp tục bắt xe khách từ bến xe Mỹ Đình về Đông Anh.

“Năm nào cũng thế, đi đường xa, đồ đạc lại nhiều khiến tôi khá mệt mỏi. Để xuống được Hà Nội, tôi phải mất 300.000-400.000 đồng tiền xe” - công nhân này chia sẻ.

Tết năm nay chị nghỉ khá dài, nhưng trong lòng cũng bồn chồn, muốn xuống làm việc luôn. Bởi đối với công nhân, ráo mồ hôi là hết tiền. Ở nhà chơi mãi thì lấy gì để tiêu. 

Mong công việc, thu nhập ổn định

Gần chục năm gắn bó với một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), anh Nguyễn Văn Thanh (Phú Thọ) cảm thấy may mắn khi không bị giảm việc trong năm qua. Công việc đều đặn, cuối năm, anh nhận được tiền thưởng Tết là một tháng lương.

Với số tiền này, anh dành dụm để gửi về quê cho gia đình chi tiêu và chỉ để dành một chút cho bản thân để trang trải chi phí ăn uống, trả tiền thuê nhà trọ hằng tháng.

Để có thu nhập cao hơn, anh Thanh đã phải đánh đổi bằng việc làm ăn xa gia đình. Nhiều khi cũng nhớ gia đình, nhưng không còn cách nào khác, công nhân này phải cố gắng vượt qua, có thu nhập tốt chăm lo cho gia đình, nuôi nấng con cái trưởng thành.

Ăn bữa cơm trưa ngày mùng 5 Tết cùng gia đình. Đến đầu giờ chiều, anh Thanh lại sửa soạn quần áo, đồ đạc đi xe máy từ Phú Thọ xuống Hà Nội. 

Trong năm mới, anh mong muốn có sức khỏe tốt để tiếp tục hoàn thành công việc tại nhà máy. 

Bên cạnh đó, công nhân này cũng hy vọng doanh nghiệp có thật nhiều đơn hàng, tạo công ăn, việc làm đều đặn cho công nhân để những người lao động như anh không gặp những biến cố về công việc trong năm qua.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin, theo báo cáo nhanh của 71/82 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và tương đương, trong dịp Tết Nguyên đán 2023, tính đến ngày 17.1.2023 đã có hơn 6,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các hoạt động chăm lo của tổ chức Công đoàn với tổng nguồn kinh phí là trên 4.441 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn