MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Công ty Hoya Glass Disk Việt Nam kết thúc ca làm việc đêm (ảnh chụp sáng 21.10). Ảnh: Bảo Hân

Sản xuất bình thường, công nhân tích cực tăng ca

Bảo Hân LDO | 22/10/2021 11:06
Đến thời điểm này, công nhân KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) đã ổn định công việc trở lại. Không khí trong khu công nghiệp sôi động hơn vào buổi sáng, với hàng nghìn công nhân đến công ty để làm việc hoặc rời nhà xưởng sau ca làm việc đêm.

“Công ty nhiều việc, chỉ sợ không có sức mà làm”  

Hơn 7 giờ sáng ngày 21.10, khu công nghiệp Thăng Long sôi động hẳn lên khi công nhân hết ca trở về nhà hoặc từ nhà đi xe máy lên công ty làm việc. Như tại cổng Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam, công nhân vào ra không ngớt. 

Sau khi kết thúc ca làm việc đêm (từ 19 giờ tối đến 7 giờ sáng ngày hôm sau), chị H., công nhân một công ty cơ khí của Khu công nghiệp Thăng Long đứng bên lề đường để chờ chở người bạn cùng khu trọ về cùng. Chi H. cho biết, thời gian vừa qua, tuy ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng chị không phải nghỉ việc. “Tôi đi làm “3 tại chỗ” hơn một tháng, sau đó thì đi trở lại làm việc bình thường trong tháng 9” - chị H. cho hay.  

Quãng thời gian đi làm “3 tại chỗ”, chị T. được khoảng 20 triệu đồng/tháng. Khi trở lại làm việc bình thường, thu nhập của chị là 10 triệu đồng/tháng. “Công ty nơi tôi làm dạo này rất nhiều việc, chỉ sợ không có sức để làm mà thôi. Nếu thấy mệt, hết kíp, hết ca thì mình xin nghỉ còn nếu không mệt thì đi “âu” (overtime- làm thêm) để kiếm thêm thu nhập” - chị H. cho biết.  

Chồng chị H. cũng làm công nhân. Tổng thu nhập của cả 2 vợ chồng thời gian này là khoảng 20 triệu đồng/tháng. Từ Tết đến nay, do ảnh hưởng của dịch, nên anh chị quyết định gửi con (năm nay 4 tuổi) về quê tại huyện Đan Phượng (Hà Nội).  

“Tôi lo ngại cháu có nguy cơ nhiễm bệnh khi ở cùng bố mẹ; hơn nữa, cả hai vợ chồng đều đi làm, trường học chưa mở cửa thì sẽ rất khó khăn trong việc trông cháu” - chị H. nêu lý do. Điều chị H. mong mỏi nhất là có việc làm, thu nhập ổn định để có tiền nuôi con, dành dụm để lâu dài có thể xây được ngôi nhà nhỏ ở quê.  

Làm thêm nhiều hơn  

Gần 9 giờ sáng,  anh Trần Văn Tuấn (quê Tuyên Quang) một mình ngồi trong nhà trọ tuyềnh toàng tại thôn Mai Châu, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, thuê với giá 500.000 đồng/tháng. Những phòng trọ bên cạnh đang đóng cửa im ỉm vì người thì đi làm, người thì ngủ vùi sau những giờ làm việc vất vả trong nhà xưởng. 

Anh Tuấn vừa trở về từ công ty sau giờ làm ca đêm (từ 18 giờ hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau - tính cả giờ làm thêm). Căn phòng trọ không có đồ đạc gì đáng giá, chỉ có chiếc giường, vài vật dụng cùng quần áo. “Nhà trọ chỉ là nơi tôi nằm ngủ thôi, nên không mua sắm gì cả” - anh Tuấn giải thích. Anh Tuấn trệu trạo nhai gói xôi 10.000 đồng mua trên đường trở về nhà. Ăn xong, anh Tuấn dự định tắm rửa, giặt giũ, rồi ngủ xuyên trưa đến khoảng 17-18 giờ để chuẩn bị đi làm ca đêm tiếp.  

Sinh năm 1995, anh Tuấn đã lập gia đình. Cuộc sống ở quê quá khó khăn, thu nhập thấp, anh đành để vợ con ở quê, còn mình lên Hà Nội đi làm công nhân, kiếm tiền nuôi gia đình. Tháng 6, anh xuống Hà Nội. Đi làm mấy hôm thì do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên anh nghỉ ở nhà. Sau đó, anh đi làm “3 tại chỗ” trong 1,5 tháng. Đến ngày 15.9, anh Tuấn trở lại làm việc bình thường.  

“Đi làm “3 tại chỗ”, thu nhập của tôi cao hơn bình thường; còn hiện nay, thu nhập tuỳ thuộc vào việc công ty có đi làm thêm hay không. Nếu không đi làm thêm, tôi chỉ được khoảng 6 triệu đồng/tháng; đi làm thêm thì được 7-8 triệu đồng/tháng” - anh Tuấn chia sẻ. 

Số tiền này, anh chỉ giữ lại cho mình 2 triệu đồng/tháng để trang trải sinh hoạt của mình, còn lại gửi về quê cho bà, cho vợ để nuôi gia đình.  

Theo anh Tuấn, sau dịch, có thể do đơn hàng tồn lại nhiều nên thời điểm này, công ty nhiều việc hơn; anh làm thêm nhiều hơn. “Trước đây 1 tuần chỉ được làm thêm 1,2 ngày; bây giờ tăng lên 3,4 ngày. Nhờ vậy mà thu nhập của tôi cũng cao hơn đáng kể” - anh Tuấn cho hay.  

Anh Tuấn dự định sắp tới sẽ đón vợ lên cùng làm công nhân, còn con thì vẫn để ở quê, nhờ ông bà trông. “Lên đây làm công nhân, dù vất vả, nhưng dù sao còn có thu nhập tốt, chứ ở quê chỉ có thể chăn nuôi, trồng trọt, gần như không có thu nhập” - anh Tuấn lý giải. Nếu đưa vợ lên, anh Tuấn sẽ thuê phòng trọ khác rộng hơn để vợ chồng cùng ở, cùng kiếm tiền để gửi về nuôi con ăn học. Anh Tuấn chỉ mong có công việc, thu nhập ổn định để anh có thể chăm lo thật tốt cho gia đình nhỏ của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn