MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân trong và ngoài nước đang thắt chặt chi tiêu khiến nguồn cầu của công nghiệp chế biến chế tạo giảm. Ảnh: Thùy Trang

Sản xuất công nghiệp Đà Nẵng giảm, doanh nghiệp cắt giảm lao động

THÙY TRANG LDO | 25/10/2023 13:30

Sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo tại TP Đà Nẵng vẫn gặp khó khăn khi đơn hàng liên tục suy giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao. Điều này đã khiến một số người lao động bị mất việc làm khi cuối năm đã cận kề.

Sản xuất giảm, tồn kho tăng

Báo cáo Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội hồi giữa tháng 10 vừa qua, UBND TP Đà Nẵng cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp thành phố (IIP) 9 tháng đầu năm 2023 ước giảm 1,95% so với cùng kỳ 2022. Đặc biệt là ngành chế biến chế tạo - ngành đóng vai trò động lực cho tăng trưởng công nghiệp giảm 3,49%.

Một một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm sâu, tác động đến chỉ số chung như: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 24,77%; công nghiệp chế biến chế tạo khác giảm 40,02%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 24,89%; sản xuất đồ uống giảm 19,75%.

Chỉ số tồn kho ngành chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm cuối tháng 8.2023 tăng 0,26% so với tháng trước và tăng 27,06% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, một số ngành có mức tồn kho tăng rất cao so với cùng kỳ do sản phẩm tiêu thụ chậm như: sản xuất chế biến thực phẩm mức tồn kho tăng 166,2%; ngành Dệt tăng 67,3%; sản xuất trang phục tăng 133,2%...

Cục Thống kê TP Đà Nẵng cũng đánh giá, trước bối cảnh khó khăn chung của toàn nền kinh tế, 9 tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng trong thời gian qua liên tục đối mặt với nhiều thách thức khi đơn hàng liên tục suy giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao.

“Một số sản phẩm công nghiệp có sản lượng giảm sâu mà phần lớn do cầu tiêu dùng giảm, một số mặt hàng sản xuất có giá nguyên vật liệu đầu vào khá cao buộc doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất sản phẩm. Qua khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn, khó khăn lớn nhất hiện nay doanh nghiệp đang phải đối mặt là cầu tiêu dùng trong và ngoài nước sụt giảm do người dân siết chặt chi tiêu trong bối cảnh lạm phát tăng cao, kèm theo nhiều rủi ro bất định, khó lường” - Cục Thống kê Đà Nẵng nhận định.

Đã có doanh nghiệp cắt giảm lao động

So với cùng kỳ năm 2022, lực lượng lao động ở khu vực thành thị tại TP Đà Nẵng giảm 2,6%; khu vực nông thôn giảm 6,2%; lực lượng lao động nam và nữ giảm lần lượt là 4,3% và 1,7%.

Đầu tháng 10, một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng đã cắt giảm 60 lao động vì thiếu đơn hàng. Mất việc khi cuối năm đã cận kề, nhiều lao động kéo lên doanh nghiệp để đòi quyền lợi. Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp đã cùng doanh nghiệp giải thích với người lao động về các bước nhận chế độ thất nghiệp. Tuy nhiên, điều này cũng dấy lên lo ngại, lao động tại Đà Nẵng có thể bị mất việc khi tình hình sản xuất khó khăn kéo dài.

Một doanh nghiệp ở Đà Nẵng cắt giảm 60 lao động hồi đầu tháng 10. Ảnh chụp màn hình

Ông Nguyễn Thành Trung - Chủ tịch Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp TP Đà Nẵng - cho biết: “Về tình hình việc làm ở các khu công nghiệp hiện nay, cơ bản các doanh nghiệp đã có đơn hàng. Nhưng doanh nghiệp trong ngành may mặc, sản xuất đồ gỗ lại bị giảm đơn hàng trong quý 3 năm nay rất lớn. Các doanh nghiệp đang cố gắng duy trì để người lao động có đủ ngày giờ công, vẫn được đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, với doanh nghiệp có đông lao động nhưng không có đơn hàng thì họ vẫn phải buộc lòng cắt giảm ở một số bộ phận.

Trước tình hình đó, công đoàn khu công nghiệp đã nắm bắt thông tin, cùng phối hợp các cơ quan chức năng làm việc với các doanh nghiệp làm sao để đảm bảo đầy đủ quyền lời khi người lao động bị mất việc. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kết nối doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng, đưa thông tin đến người lao động để họ sớm trở có việc làm trở lại”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn