MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Đinh Đăng Đoàn là cá nhân điển hình tiên tiến dự Đại hội Thi đua yêu nước ngành Dệt May lần thứ V (ảnh chụp tháng 10.2020). Ảnh: CĐN

Sáng kiến của đoàn viên Công đoàn làm lợi 3,4 tỉ đồng/năm

Hải Anh LDO | 07/09/2021 09:40
Ở Công ty Cổ phần Quốc tế Phong phú, ai cũng biết anh Đinh Đăng Đoàn – đoàn viên CĐCS Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú (trực thuộc Công đoàn Dệt may Việt Nam). Bằng sự chủ động, sáng tạo, anh Đoàn giúp doanh nghiệp làm lợi tới 3,4 tỉ đồng/năm nhờ sáng chế hệ thống máy sấy treo tự động phục vụ cho lĩnh vực giặt nhuộm. Đây cũng là một trong số 923 sáng kiến, giải pháp của Công đoàn Dệt may Việt Nam tham gia Chương trình 75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển do Tổng LĐLĐVN tổ chức.

Sáng kiến "thân thiện với môi trường", làm lợi 3,4 tỉ đồng/năm.

Là kĩ sư cơ khí, Trưởng Bộ phận Bảo trì thuộc Phòng Công nghệ giặt nhuộm (Wash) của Công ty, anh Đoàn có nhiệm vụ kiểm soát vật tư, máy móc thiết bị; kiểm soát lượng tiêu hao điện, hơi, nước; hướng dẫn, hỗ trợ sửa chữa các máy móc hư hỏng; đồng thời nghiên cứu, tìm hiểu giải pháp mới nhằm cải tiến, nâng cao hiệu quả các thiết bị mà Công ty đang sử dụng.

Vào làm việc tại Công ty từ năm 2012 đến nay, anh Đoàn đã có nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật được áp dụng như: Sửa chữa thành công máy Tolkal; chế tạo thành công máy chà Destroy; tự chế đèn kiểm hàng đặc dụng; cải tiến thiết bị máy bơm Ozone; chế tạo thành công máy E- Flow và một số công trình khác...

Một trong những sáng kiến được đánh giá là rất thân thiện với môi trường của anh Đoàn là sáng chế thêm hệ thống băng chuyền sấy treo và tận dụng nguồn hơi nóng dư thừa thải ra môi trường để sấy, vừa giúp tăng năng suất vừa bảo vệ môi trường.

Cụ thể, máy sấy Tolkal nguyên bản khi sử dụng sẽ cho sản lượng 57 sản phẩm/giờ, nhiệt độ cần sử dụng là 80 độ. Lượng xe chứa hàng trước và sau khi sấy bình quân lên đến 40 chiếc. Chất lượng sản phẩm sau sấy đạt độ đồng đều 90%.Trong qui trình sấy, một sản phẩm mất 50 phút sấy nóng và 20 phút sấy nguội, lượng nước còn trên sản phẩm khoảng 60%-70%, phải tốn thêm thời gian và lao động để vắt khô sản phẩm, nhiều khi không đáp ứng kịp tiến độ giao hàng. Do đã từng tự sửa chữa thành công một số loại máy của hãng Tolkal, anh Đoàn tiếp tục nghiên cứu và sáng chế thêm hệ thống băng chuyền sấy treo và tận dụng nguồn hơi nóng dư thừa thải ra môi trường để sấy.

Sau khi áp dụng sáng kiến của anh Đoàn, thời gian sấy trên máy Tolkal giảm xuống còn 30 phút sấy nóng, 5 phút sấy nguội, giảm lượng nước tồn trên sản phẩm thêm 10%. Số lượng máy sấy Tolkal cũng được giảm đi một nửa so với yêu cầu trước đây, sản lượng ra chuyền tăng 32% nhờ đó giảm bớt được lượng xe chứa hàng, giúp không gian sản xuất thông thoáng, gọn gàng hơn. Chi phí hơi giảm 62%, chi phí vận hành giảm 41%. Lợi nhuận tăng 40%/sản phẩm, làm lợi 283.360.000 đồng/tháng, tương ứng 3,4 tỉ đồng/năm.

Đến nay, sáng kiến máy sấy treo tự động của anh đã được áp dụng tại 2 nhà máy của Công ty. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, dự kiến sẽ áp dụng trên toàn bộ hệ thống của Quốc tế Phong Phú và sẽ được chia sẻ, giới thiệu đến các doanh nghiệp khác tại Ngày hội Lao động sáng tạo của ngành.

Nói về quá trình nghiên cứu để tìm ra giải pháp này, anh Đoàn cho biết khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện là không có dụng cụ chuyên dụng. Hơn nữa việc lắp đặt thêm thiết bị khác vào một máy có sẵn cũng bị giới hạn về cấu trúc, cách thức vận hành. Ngoài ra, anh còn phải khảo sát từng dây chuyền để xem dây chuyền nào phù hợp với thiết bị rồi mới tính toán sao cho tối ưu hóa. Vừa thử nghiệm, vừa hoàn thành khiến công trình này của anh kéo dài 2 năm tính từ lúc có ý tưởng đến khi hoàn thiện. Anh Đoàn chia sẻ nhân viên thuộc bộ phận bảo trì đã hỗ trợ anh rất nhiều. Sau khi nghe ý tưởng của anh thì anh em đều ủng hộ và không nề hà phải làm thêm giờ hay các ngày cuối tuần để sớm hoàn thành công trình.

Đoàn viên Công đoàn tạo nguồn cảm hứng thi đua lao động

Trong hoạt động Công đoàn, anh Đoàn là một đoàn viên gương mẫu, nhiệt tình. Đặc biệt, anh là nhân tố tích cực và là nguồn cảm hứng của rất nhiều đồng nghiệp trong phong trào thi đua lao động sản xuất như "Tăng năng suất, đảm bảo chất lượng, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật", "Hội thi Thợ bảo trì giỏi"... Đứng đầu 1 bộ phận, lại là người có nhiều giải pháp, sáng kiến nhất, với anh Đoàn, việc đào tạo lớp kế cận cũng như tạo điều kiện cho nhân viên phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật là trách nhiệm và nhiệm vụ cấp thiết. 

Bên cạnh công việc tại bộ phận Bảo trì, anh Đoàn còn tham gia phụ trách - hướng dẫn nhóm thực tập viên tại Công ty hàng năm, hướng dẫn các em hiểu về cách quản lý và sửa chữa thiết bị công nghệ mới hiện nay. Những năm qua, các nhân viên dưới sự hướng dẫn của anh, liên tục có nhiều sáng kiến hay, hiệu quả. Một số loại máy chuyên dụng doanh nghiệp đã không cần phải nhập khẩu từ nước ngoài, thay vào đó là các máy tự chế do chính bộ phận của anh thực hiện, giúp tiết kiệm hàng trăm triệu đồng/năm.

Anh Đinh Đăng Đoàn đã vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Công Thương, Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; nhiều lần tham gia Ngày hội Lao động sáng tạo cấp ngành với những sáng kiến, giải pháp được đánh giá cao. Năm 2018-2019 anh được nhận Bằng Lao động sáng tạo của Công đoàn ngành. Với những đóng góp cho ngành và doanh nghiệp, anh Đoàn là cá nhân điển hình tiên tiến dự Đại hội Thi đua yêu nước ngành Dệt may lần thứ V và vinh dự tham gia chương trình "Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao năm 2019" với chủ đề "Công nhân, lao động kỹ thuật cao - Động lực phát triển đất nước".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn