MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động bị mất việc làm do công ty gặp khó khăn thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Ảnh: Đình Trọng

Sáng - tối trong “bức tranh” thị trường lao động thời gian tới

LƯƠNG HẠNH LDO | 19/07/2023 07:00

Bên cạnh những tổn thương khi lao động bị mất việc, giảm việc trong thời gian qua, Bản tin thị trường lao động quý II/2023 vừa được Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội phát hành ghi nhận sự biến động về nhu cầu việc làm. Dịch vụ ăn uống, bán buôn, sản xuất thiết bị là 3 ngành đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động nhất.

Thách thức song hành cơ hội

Cụ thể, trong quý 2, có 5 ngành tăng số người làm việc là: Dịch vụ lưu trú và ăn uống, tăng 106 nghìn người; Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác, tăng 53 nghìn người; Hoạt động hành chính và hỗ trợ dịch vụ, tăng 33 nghìn người;...

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo trong quý III/2023 cả nước sẽ có khoảng 51,5 triệu người có việc làm. Ảnh: Lương Hạnh

Tuy nhiên, có 5 ngành lại giảm nhiều người lao động, dẫn đầu là Công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm nhiều nhất với 189 nghìn người; Xây dựng giảm 42 nghìn người.

Phân tích xu hướng tuyển dụng, tìm việc trên thị trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong quý 2 có hơn 20.100 lượt doanh nghiệp đăng tuyển dụng hơn 70.500 lao động, và có đến 78.074 người tìm việc.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo trong quý III/2023 cả nước sẽ có khoảng 51,5 triệu người có việc làm, tăng 267 nghìn người so với quý II/2023. Một số ngành có nhu cầu tăng việc làm là Dịch vụ ăn uống, tăng 114 nghìn người; Bán buôn (trừ ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác), tăng 105 nghìn người; Sản xuất thiết bị điện, tăng 69,7 nghìn người.

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - cho biết, nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng khá tốt. Ảnh minh hoạ: Lương Hạnh

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - cho biết, thành phố đã ghi nhận tình trạng có doanh nghiệp giảm đơn hàng phải cho lao động nghỉ việc, song nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng khá tốt.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá chung, xu hướng ở thị trường Hà Nội vẫn tích cực, song đơn vị này cũng dự báo, trong các tháng tiếp theo, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Triển vọng phục hồi và phát triển thị trường lao động Hà Nội sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Lao động mất việc cần ưu tiên hàng đầu

Trao đổi với PV Báo Lao Động sáng 18.7, ông Lê Quang Trung - Nguyên Phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, trong thời gian qua, lao động rơi vào tình trạng mất việc, giãn việc gặp nhiều tổn thương. Doanh nghiệp gặp khó trong tìm kiếm đơn hàng, chưa đáp ứng thị trường, nhu cầu của khách hàng, thị trường quốc tế. Trong thời gian tới, thị trường lao động vẫn còn nhiều biến động khó lường.

Theo ông Trung, đây không phải vấn đề “một sớm, một chiều” có thể xử lý ngay. Giải pháp căn cơ là cần tái cấu trúc doanh nghiệp, định hướng lại các lĩnh vực sản xuất kinh doanh theo chiều sâu. Đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ của người lao động đặc biệt với lao động trình độ thấp cần đào tạo, đào tạo lại.

Doanh nghiệp gặp khó trong tìm kiếm đơn hàng, chưa đáp ứng thị trường, nhu cầu của khách hàng, thị trường quốc tế. Ảnh minh hoạ: Lương Hạnh

Ngành lao động - thương binh và xã hội, trung tâm dịch vụ việc làm tại các địa phương cần tập trung nắm chắc thực trạng của doanh nghiệp trên địa bàn; cả doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự lẫn doanh nghiệp có người lao động giãn việc phải sa thải lao động. Từ đó, triển khai các giải pháp, sắp xếp, bố trí, tạo điều kiện hỗ trợ cho họ.

Để làm được việc này, vị chuyên gia cho rằng, cũng cần có sự phối hợp giữa người lao động, doanh nghiệp và của tổ chức liên quan đến người lao động, đặc biệt là tổ chức Công đoàn.

“Các địa phương cần có đề án về cung ứng lao động. Đặc biệt, cần phải chú ý nguồn cung lao động từ các doanh nghiệp có lao động bị mất việc, giãn việc; lao động muốn chuyển đổi việc làm. Lao động mất việc phải ưu tiên hàng đầu” - ông Trung cho hay.

Ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp - Cục Việc Làm cho biết: Trong năm 2022, các trung tâm dịch vụ việc làm trong cả nước tiếp nhận 983.810 người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), tăng 22,7% so với năm 2021 (801.925 người). Trong đó có 975.333 người có quyết định hưởng TCTN, tăng 27,6% so với năm 2021 (764.643 người) và chiếm 99,1% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN.

Trong quý II, cả nước có 52,3 triệu người tham gia thị trường lao động, tăng 100.000 người so với quý I/2023 và tăng 0,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 51,2 triệu người có việc làm, tăng 83,3 nghìn người so với quý 1/2023 và tăng 691,4 nghìn người so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, cũng trong quý này, cả nước có 1,07 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng 25,4 nghìn người so với quý 1/2023, chiếm 2,30%. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên chiếm cao nhất với 7,41%, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khu vực thành thị chiếm 2,75%. Có 940,7 nghìn người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm, tăng 54,9 nghìn người so với quý trước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn