MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ: Minh Hồng.

Sắp tới, 82.000 cán bộ không chuyên trách cấp xã có thể được tăng quyền lợi

LƯƠNG HẠNH LDO | 01/09/2023 14:28

Tiền lương và chế độ phúc lợi dành cho cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn còn khá thấp. Do đó, ngoài các quyền lợi đã được thực hiện từ 1.7 và 1.8, cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đề xuất bổ sung quyền lợi của nhóm này.

Theo quy định người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc hiện nay được hưởng 5 chế độ là: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên, cán bộ không chuyên trách cấp xã và người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ được áp dụng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất.

Trước thực tế đó, những đối tượng lao động thuộc nhóm này kiến nghị sớm bổ sung thêm chế độ thụ hưởng.

Khi xây dựng Dự thảo sửa đổi Luật BHXH, trong báo cáo đánh giá tác động trình Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Luật BHXH năm 2014 quy định các chế độ BHXH bắt buộc bao gồm: Ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và chế độ tử tuất. Tuy nhiên, đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn mới chỉ tham gia BHXH bắt buộc với hai chế độ là hưu trí và tử tuất.

Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2022, có 86.000 người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đang tham gia BHXH bắt buộc nhưng chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất.

Tại các kỳ họp Quốc hội, nhiều Đại biểu Quốc hội kiến nghị bổ sung quyền lợi chế độ ốm đau, thai sản đối với đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh việc phân cấp của các địa phương thì khối lượng công việc đảm nhiệm của đối tượng này ngày càng lớn, cần khuyến khích đảm bảo quyền lợi về BHXH với nhóm này.

Do đó, Bộ này đề xuất sửa đổi, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bắt buộc như các đối tượng khác.

Ông Nguyễn Duy Cường – Vụ phó Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, khi được tham gia và thụ hưởng thêm các quyền lợi BHXH, người lao động sẽ yên tâm gắn bó hơn với công việc. Từ đó, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc.

Phương án này còn tạo ra những tác động tích cực đối với nữ giới. Bởi ốm đau, thai sản là 2 chế độ rất quan trọng đối với phụ nữ để đảm bảo thực hiện quyền, thiên chức làm mẹ của mình.

“Đặc biệt, việc đóng BHXH vào quỹ ốm đau và thai sản hoàn toàn thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động nên cán bộ không chuyên trách cấp xã sẽ được hưởng thêm 2 chế độ này mà không phải đóng thêm chi phí. Ở đây, người sử dụng lao động là nhà nước nên chi phí đóng thêm sẽ do ngân sách nhà nước chi trả, lao động không phải bỏ tiền thêm”, ông Cường cho hay.

Trước đó, vào ngày 1.7.2023, trợ cấp của cán bộ không chuyên trách cấp xã được tăng lên hơn 20% khi tăng lương cơ sở từ mức 1.490.000 đồng/tháng lên mức 1.800.000 đồng/tháng từ ngày 1.7.

Theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP, mức khoán quỹ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách tại một đơn vị hành chính cấp xã được tính theo lương cơ sở. Do đó, khi lương cơ sở tăng từ ngày 1/7, mức khoán này cũng được tăng theo.

Tiếp đó, kể từ ngày 1.8.2023, Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố có hiệu lực thi hành đã đẩy mức khoán quỹ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã lên một lần nữa.

Theo đó, mức khoán quỹ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã ở đơn vị hành chính cấp xã loại I tăng từ 16 lần lên 21 lần mức lương cơ sở; đơn vị hành chính cấp xã loại II tăng từ 13,7 lần lên 18 lần mức lương cơ sở; đơn vị hành chính cấp xã loại III tăng từ 11,4 lần lên 15 lần mức lương cơ sở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn