MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dù tăng cường tuyên truyền, nhưng tình trạng nợ bảo hiểm tại Cà Mau vẫn đội sổ do các DN làm ăn thua lỗ. Ảnh: N.HỒ

Sau khởi kiện, nợ bảo hiểm vẫn đội sổ

NHẬT HỒ LDO | 03/01/2019 16:00

Tình trạng DN nợ BHXH của người lao động khu vực Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng liên tiếp xảy ra. Nếu như Bạc Liêu tăng cường công tác tuyên truyền, nợ giảm thì Cà Mau và Sóc Trăng dù khởi kiện, nhưng thu hồi khó khăn. Hầu hết rơi vào các DN chế biến thủy sản mà chủ DN bị khởi tố, DN làm ăn khó khăn.

Nợ khó đòi

Theo báo cáo của BHXH tỉnh Cà Mau, đến ngày 30.11.2018, toàn tỉnh có 101 DN nợ BHXH, trong đó có 18 DN nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khó thu hồi. Số tiền nợ bảo hiểm các loại lên đến 95,92 tỉ đồng (trong đó nợ lãi 25,8 tỉ đồng). Theo đó, nợ trên 6 tháng là 72,9 tỉ đồng (đã bao gồm lãi chậm đóng là 25,4 tỉ đồng), chiếm 76,01% trong tổng số nợ.

Đáng chú ý có 3 đơn vị là Cty TNHH Nhật Đức, Cty Cổ phần Thực phẩm Đại Dương và Cty TNHH chế biến thủy sản XNK Minh Châu có chủ sử dụng lao động bị bắt giam trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh khu vực Minh Hải, đã có bản án xét xử sơ thẩm, tính đến ngày 30.11.2018 có tổng số tiền nợ 11,83 tỉ đồng.

Trong khi đó DN thủy sản Phương Nam (Sóc Trăng) do tranh chấp quyền sở hữu DN nên tình trạng nợ bảo hiểm các loại lên đến 3 tỉ đồng. Tại Bạc Liêu, Cty chế biến thủy sản Minh Hiếu có chủ DN vướng vòng lao lý khiến nợ bảo hiểm kéo dài lên đến hàng tỉ đồng.

Sau khởi kiện là nợ chồng nợ

Điển hình là Cty TNHH Thuỷ sản Camimex Cà Mau, từ năm 2014, BHXH tỉnh đã khởi kiện, số tiền nợ vào thời điểm khởi kiện là 10,25 tỉ đồng, đã thi hành án xong. Hiện nay, nợ BHXH phát sinh sau khởi kiện với số tiền 15,62 tỉ đồng, với số tháng nợ 30 tháng, hiện tại hằng tháng chỉ đóng BHXH tương ứng với số phát sinh.

Năm 2015, BHXH tỉnh Cà Mau khởi kiện Cty Cổ phần Thương mại Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Huỳnh Hương, số tiền nợ vào thời điểm khởi kiện 1,75 tỉ đồng, thi hành án được 1,48 tỉ đồng. Hiện nay, nợ BHXH phát sinh sau khởi kiện với số tiền 2,45 tỉ đồng, với số tháng nợ 44 tháng. Cty đã giảm hết lao động trực tiếp sản xuất, chỉ còn 4 lao động tham gia BHXH với các chức danh quản lý, Cty đang hoạt động theo hình thức cho thuê nhà xưởng.

Một số DN còn hoạt động, nhưng báo giảm hết lao động, chỉ tham gia đóng BHXH cho vài lao động là quản lý, qua thực tế đối chiếu thì những lao động này vẫn làm việc theo hình thức công nhật. Với một số DN, cơ quan BHXH đã khởi kiện và đề nghị cơ quan thi hành án thu hồi nợ BHXH. Tuy nhiên, cơ quan thi hành án có văn bản trả lời do tài sản DN đã thế chấp ngân hàng nên không còn tài sản để thi hành án thu hồi nợ BHXH, BHYT.

Theo khoản 3, điều 18, Nghị định số 115/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, quy định đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN “người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHYT, BHTN bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động”, dẫn đến một số DN nợ BHXH, chỉ nộp BHXH khi có lao động nghỉ việc hưởng chế độ.

Một số DN cố tình né tránh không tiếp tổ công tác, đoàn thanh tra của BHXH gây khó khăn cho công tác thu và thu nợ BHXH, BHYT, BHTN. Mức xử phạt vi phạm hành chính chưa đủ mạnh (mức tối đa là 75 triệu đồng). Bộ Luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2018, tại Điều 216 quy định về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN nhưng thủ tục xử lý chưa được hướng dẫn rõ nên khó khăn trong triển khai thực hiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn