MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sau Tết, lao động rơi vào "tiến thoái lưỡng nan" khi muốn nhảy việc

Minh Hương LDO | 01/03/2021 18:52
Sau Tết, một số người lao động muốn tìm kiếm công việc thích hợp hơn nhưng trước tình hình của dịch COVID-19, nhiều người lại rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan". Khi mà ở lại nơi cũ không đành mà chuyển đến nơi mới cũng không được vì công ty mới báo cắt giảm nhân sự, không tuyển thêm.

Trường hợp của Nguyễn Trà My (29 tuổi, ở TP.HCM) dưới đây là một ví dụ.

My tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành báo chí, sau đó cô xin làm việc ở công ty sản xuất Media cho các nhãn hàng với mức lương khởi điểm 7 triệu đồng/ tháng. Sau hơn 5 năm gắn bó, mức lương của My hiện khoảng 11 triệu đồng/ tháng. Nhưng My cho biết, sau giờ làm việc hành chính, tối đến My phải làm thêm công việc ở nhà mới có thể nhận được mức lương trên.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều người lao động muốn '"nhảy việc" để tìm kiếm công việc phù hợp, thu nhập ổn định hơn. Ảnh minh hoạ: Minh Hương

My chia sẻ, sau hơn 5 năm ra trường, làm việc không mệt nghỉ như vậy thì mức lương trên vẫn chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Công việc cũng không cho My thêm nhiều sự sáng tạo hay bước phát triển đột phá, nên cô quyết tâm "nhảy việc", tìm môi trường thích hợp hơn.

Ngoài ra, công việc hiện tại không còn cho My thấy sự yêu thích, nhiệt huyết như ban đầu, lối làm việc rập khuôn cũng là một trong những lý do thôi thúc My nghỉ việc.

Trước đó, qua công việc hiện tại, My quen biết được với phòng truyền thông của một công ty về lĩnh vực thời trang. Sắp tới, công ty này sẽ cho ra thương hiệu thời trang mới và rất cần đến bộ phận truyền thông nên đã ngỏ ý mời My về làm việc. "Mức lương họ giới thiệu không dưới 15 triệu đồng/ tháng, đặc biệt hơn, tôi được làm ở môi trường trẻ trung hơn và có thể thoải mái sáng tạo" - My nói.

Tuy nhiên, từ thời điểm nhận được lời mời đến nay cũng 3 tháng, My vừa nhận được phản hồi rằng: công ty thua lỗ, ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đang phải cắt giảm nhân sự.

"Giờ tôi rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, trước đó cũng đã thông báo với đồng nghiệp sẽ chuyển việc. Nay tôi chưa tìm ra hướng giải quyết" - My cho hay.

Không ít người muốn rời bỏ công việc cũ để chuyển sang môi trường mới tuy nhiên việc chuyển đổi công việc cũng không dễ dàng trong bối cảnh COVID-19.

Một hoàn cảnh khác, chị Đinh Thị Hương (35 tuổi, ở Hà Nội), giỏi tiếng Anh, theo ngành xuất nhập khẩu trái cây đã nhiều năm nay. Chị Hương cho biết, 2 năm trở lại đây là thời khó khăn chưa từng có với công ty khi dịch COVID-19 xuất hiện. Do gặp trở ngại trong việc xuất hàng sang nước khác nên công ty bị giảm một nửa doanh thu.

Công ty đã phải cắt giảm hàng chục nhân sự, chị Hương may mắn hơn được ở lại nhưng chỉ được nhận 75% lương. "Dịp Tết Nguyên đán vừa qua cũng không có tiền thưởng Tết, tôi phải lấy tiền tiết kiệm để sắm sửa Tết" - chị Hương cho biết.

Hiện trung bình một tháng chị Hương nhận được 8 triệu đồng, số tiền này có thể cao so với mức sống ở nông thôn nhưng ở thành thị, chị Hương phải nuôi 2 người con đang tuổi đi học nên thu nhập hiện tại với chị mà nói khá chật vật.

Sau một thời gian đắn đo cân nhắc, chị Hương cũng quyết định sẽ nghỉ việc ở công ty cũ để tìm việc ở công ty khác có mức lương cao hơn. "Tôi đã viết giấy xin nghỉ việc từ giữa tháng 2.2021 và đang tìm kiếm công ty cùng lĩnh vực, tuyển dụng mức lương cao hơn để ứng tuyển, tuy nhiên vẫn chưa tìm được công ty như mong muốn" - chị Hương nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn