MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Cty Nidec Việt Nam (TPHCM) phải đeo khẩu trang khi làm việc để phòng chống lây lan dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Nam Dương

Sau Tết, người lao động trở lại TPHCM phải khai báo y tế

Hữu Huy - Anh Nhàn LDO | 03/02/2021 11:19
Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.Hồ Chí Minh vừa đề nghị người dân trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán phải hạn chế di chuyển đến những nơi không cần thiết, ghi lại lịch trình di chuyển để phục vụ công tác phòng, chống dịch khi có yêu cầu. Sau khi trở lại TPHCM, người lao động phải khai báo y tế và tự theo dõi tình hình sức khoẻ.

Vui Tết nhưng phải đảm bảo an toàn phòng dịch

Cuộc họp báo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM diễn ra chiều 2.2 đã bàn luận nhiều vấn đề về việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho người lao động (NLĐ).

Ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp (KCX-CN) TPHCM - cho biết, để đảm bảo an toàn phòng dịch trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Ban quản lý đã đề nghị NLĐ khi về quê đón Tết phải chấp hành nghiêm các quy định về khuyến cáo của cơ quan y tế và hạn chế di chuyển đến những nơi không cần thiết, ghi lại lịch trình di chuyển để phục vụ công tác phòng, chống dịch khi có yêu cầu.

Sau khi trở lại TPHCM, NLĐ phải khai báo y tế và tự theo dõi tình hình sức khoẻ. Nếu từ vùng dịch trở về và có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải cách ly tại nhà, đeo khẩu trang và gọi cho cơ sở y tế gần nhất. Cùng với đó, doanh nghiệp phải yêu cầu NLĐ khi trở lại TPHCM làm việc cung cấp lịch trình di chuyển trong thời điểm không có mặt ở TPHCM.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Hưng, hiện nay chủ doanh nghiệp có vận động NLĐ ở lại đón Tết tại TPHCM. Qua nắm bắt của Công đoàn các KCX, KCN thì hiện nay, rất nhiều công nhân đã quyết định không về quê ăn Tết. “Do trong năm 2020 đã có nhiều thời gian nghỉ do dịch bệnh cũng như là lũ lụt, thiên tai nên NLĐ không về. Gần đây, khi có dịch bệnh quay trở lại, NLĐ chủ động quyết định ở lại TPHCM đón Tết. Hiện khoảng 75% trong tổng số 276.000 công nhân lao động (CNLĐ) ở KCX, KCN TPHCM ở lại” - ông Hưng cho hay.

Đại diện Ban Quản lý các KCX-CN TPHCM cũng cho hay, NLĐ đang lo lắng về trường hợp sau khi về quê - về đến nơi hiện nay không có dịch bệnh. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ nay đến mùng 6 Tết, khi họ bắt đầu quay trở lại TPHCM thì có thể có những địa phương phát sinh ổ dịch mới. Vì vậy, họ sẽ trở về TPHCM từ địa phương có dịch và phải tự cách ly tại nhà 21 ngày.

Ông Hưng cho rằng, từ vấn đề trên sẽ phát sinh thêm vướng mắc về tiền lương, tiền công của những NLĐ trong thời gian cách ly. Theo quy định hiện nay, trường hợp đó bất khả kháng, thì đó là thoả thuận giữa doanh nghiệp và NLĐ. Cho nên, mức lương thoả thuận không quá mức lương tối thiểu.

“NLĐ cũng có lo lắng là hiện nay mức lương tối thiểu khoảng hơn 4 triệu đồng, nhưng có những NLĐ có mức lương khoảng 7 triệu, 8 triệu hoặc 10 triệu đồng. Như vậy, mức họ hưởng khi cách ly sẽ thấp hơn mức họ lao động sản xuất” - ông Hưng nêu.

Xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang

Cũng trong cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhận định, đến thời điểm hiện nay, TPHCM là địa phương chưa có dịch lây lan trong cộng đồng nhưng có nguy cơ rất cao khi có mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài, càng cao hơn khi bước vào dịp cận Tết - thời điểm giao thương hàng hoá và đi lại giữa người dân nhiều tỉnh/thành.

“Vì vậy, phải thực hiện thật tốt quan điểm vừa chống dịch nhưng vừa phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh và đảm bảo đời sống văn hoá tinh thần. Lấy an toàn là trên hết, an toàn để sản xuất, an toàn để có cuộc sống tốt hơn, ăn Tết cũng trên cơ sở an toàn” - ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Về các biện pháp y tế tiếp tục được áp dụng, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - một lần nữa nhắc lại việc cần tuân thủ nghiêm và kiểm tra thường xuyên việc thực hiện yêu cầu 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) trong phòng, chống dịch bệnh như khuyến cáo của Bộ Y tế. Đồng thời, xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang theo quy định.

Ngoài ra, đại diện ngành Y tế TPHCM cũng yêu cầu hạn chế tập trung đông người, đặc biệt là các sự kiện diễn ra ở không gian kín. Đối với các lễ hội, sự kiện tập trung đông người diễn ra trước và sau dịp Tết Nguyên đán đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt tổ chức thì y tế địa phương sẽ phối hợp Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) để được hướng dẫn phối hợp thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong phòng chống dịch bệnh.

Về xét nghiệm COVID-19, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh nói rằng, hiện nay, thành phố có 11 đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định COVID-19 với tổng công suất là 10.000 mẫu xét nghiệm/ngày. Chưa kể đến Viện Pasteur công suất 3.000 mẫu/ngày và các bệnh viện tuyến Trung ương như Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y dược thì tổng cộng phải đạt được 5.000 mẫu xét nghiệm/ngày. Như vậy, thành phố đảm bảo được 15.000 mẫu xét nghiệm COVID-19/ngày.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn