MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sau Tết, thị trường lao động khởi sắc, không còn xu hướng nhảy việc

Phương Thảo LDO | 25/02/2024 06:13

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường lao động dịp đầu năm mới đã nhộn nhịp khi có hơn 40.000 lượt tuyển dụng được mở ra tại các doanh nghiệp. Để tìm hiểu thêm thông tin về hiện tượng này, phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Văn Thắng

Sau kỳ nghỉ Tết 2024, nhiều doanh nghiệp trên cả nước đã quay trở lại sản xuất kinh doanh. Ông đánh giá như thế nào về nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp trong dịp đầu năm mới?

- Theo sự chỉ đạo của Sở Lao động Thương binh Xã hội Hà Nội, từ những ngày đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động và người lao động tìm kiếm việc làm. Trung tâm đã phối hợp với 9 tỉnh, thành phố tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến gồm các tỉnh, thành như: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình,...

Tại phiên giao dịch việc làm này có 134 doanh nghiệp tham gia, với trên 40.000 chỉ tiêu tuyển dụng. Thông qua các chỉ tiêu tuyển dụng và số lượng doanh nghiệp tham gia cho thấy nhu cầu tìm kiếm lao động tại các doanh nghiệp trong những ngày đầu năm mới khá nhộn nhịp. Qua các phiên giao dịch đã có rất nhiều người lao động đến tham gia phỏng vấn trực tiếp tại các doanh nghiệp.

Theo ông, hiện nay những ngành nghề nào có nhu cầu tuyển dụng lao động cao nhất?

- Qua tổng hợp, các lĩnh vực, ngành nghề tuyển dụng tại các phiên giao dịch việc làm hết sức đa dạng, tập trung ở các ngành Thương mại – dịch vụ, Công nghệ chế biến – chế tạo, Thương mại điện tử, Xây dựng…

Bên cạnh đó, lĩnh vực Công nghệ thông tin là ngành đang có xu hướng tuyển thẳng lao động tại phiên giao dịch việc làm. Chỉ tiêu tuyển dụng tại các doanh nghiệp tương đối nhiều, nên người lao động dễ dàng tìm kiếm cho mình một vị trí việc làm phù hợp.

Theo ông, tâm lý đi làm sau Tết của người lao động diễn biến như thế nào? Và xu hướng nhảy việc của họ trong dịp đầu năm mới ra sao?

- Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tỉ lệ lao động quay trở lại làm việc sau Tết là rất lớn, trên 90%. Điều này cho thấy, tỉ lệ người lao động nhảy việc ít hơn so với những năm trước đây.

Trở về những năm trước, giai đoạn sau Tết là khoảng thời gian khó khăn của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp. Một số doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, dẫn đến tình trạng người lao động ở lại địa phương tìm kiếm việc mới, sau khi trở về quê ăn Tết.

Riêng năm nay, hiện tượng người lao động nhảy việc xảy ra ít hơn. Tâm lý người lao động đến tham gia các phiên giao dịch việc làm cũng nghiêm túc hơn, hầu hết họ đều mong muốn tìm được cho mình một công việc phù hợp.

Quyết định “nhảy việc” sau Tết dù trong bối cảnh nào cũng là một bước đi mạo hiểm tiềm ẩn cả cơ hội lẫn thách thức. Theo ông, người lao động cần chuẩn bị những gì nếu như có ý định nhảy việc?

- Theo dự báo, thị trường lao động đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn tiềm ẩn, chính vì vậy khi người lao động quyết định nhảy việc thì cũng hết sức lưu ý.

Theo tôi, trong bối cảnh này, việc đầu tiên người lao động nên làm là phải gắn bó, chia sẻ với doanh nghiệp để vượt qua khó khăn. Với trường hợp người lao động bị mất việc kéo dài hoặc thu nhập bị sụt giảm, khi tìm kiếm một công việc mới, họ cần lưu ý “Vị trí việc làm tại doanh nghiệp mới như thế nào? Công việc mới có đảm bảo được chế độ, quyền lợi không? Tính chất công việc xoay quanh vị trí việc làm đó ra sao?”. Vì chỉ khi tìm được một vị trí phù hợp, người lao động mới có thể làm tốt phần công việc mà họ đảm nhận, tạo ra giá trị tuyệt đối cho doanh nghiệp.

Để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm “người và việc” trong quý I, theo ông những phiên giao dịch việc làm đã mở ra những cơ hội như thế nào với người lao động?

- Qua hoạt động tổ chức các phiên giao dịch việc làm giữa các tỉnh thành, sẽ tạo sự liên kết, chia sẻ về cơ sở dữ liệu giữa “người và việc”. Như vậy, thị trường lao động của các tỉnh sẽ có mối liên hệ gắn kết với nhau, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp tìm kiếm lao động, cũng như tăng cơ hội việc làm cho người lao động.

Hiện tại giao thông kết nối các địa phương cũng rất thuận tiện, do đó doanh nghiệp cũng nên tính toán, tạo điều kiện đưa đón người lao động để có thể thu hút thêm nguồn lực. Điều này cũng giúp người lao động có thể làm việc ở nhiều địa phương, thay vì chỉ tìm việc xoay quanh tỉnh mà lao động đó sinh sống như trước đây.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn