MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động tìm kiếm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh Anh Thư.

Sẽ dành 3.000 - 5.000 tỉ đồng đào tạo lại lao động: Hỗ trợ thiết thực

ANH THƯ LDO | 11/05/2020 16:32
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ đề xuất và tham mưu với Chính phủ dành 3.000 đến 5.000 tỉ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động.

Dịch COVID-19 đã gây ra nhiều hệ lụy. Cụ thể, 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng, doanh thu giảm còn 70%, khu vực vực du lịch, hàng không... bị ảnh hưởng nghiêm trọng, 26% doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, ngừng việc, giãn việc, mất việc...

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực rất lớn để nỗ lực sản xuất. Doanh nghiệp và người lao động cũng đã có sự chia sẻ, cùng nhau chung tay vượt qua khó khăn.

Nhiều nơi, người lao động tự nguyện giảm một phần thu nhập của mình để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân. 

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 15 về gói hỗ trợ lao động bị giảm sâu về thu nhập, có mức sống dưới mức tối thiểu với 62 nghìn tỷ đồng và dự kiến hỗ trợ cho 20 triệu đối tượng...

Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội cho biết, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã khuyến cáo để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, yêu cầu sống còn là phải đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động để tăng năng suất lao động.

Hệ lụy của cắt giảm nhân sự hàng loạt là chi phí tuyển dụng lại sẽ rất lớn, hoặc doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng lao động khi hoạt động sản xuất được quay trở lại.

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ trình với Thủ tướng ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề. Bên cạnh đó, sẽ đề xuất và tham mưu với Chính phủ dành 3.000 đến 5.000 tỉ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động.

Như vậy, dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu lao động được đào tạo lại và cấp chứng chỉ. Về phương thức, Bộ cho biết sẽ tập trung đào tạo và đào tạo lại tại doanh nghiệp gắn với trường nghề, gắn hoạt động trực tiếp của doanh nghiệp do doanh nghiệp triển khai, cấp tiền trực tiếp cho doanh nghiệp.

Bàn về vấn đề này, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phục trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, việc đào tạo lại lực lượng lao động là vấn đề hết sức cần thiết, đặc biệt thời điểm dịch COVID-19 đã khống chế được. 

Theo ông Trung, các quy định hiện hành đã có, song phải đề xuất cơ quan thẩm quyền có những hỗ trợ thuận lợi hơn về mặt điều kiện, thủ tục, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ.

"Đặc biệt, hỗ trợ cho nhóm lao động để bồi dưỡng nâng cao kĩ năng nghề hoặc trình độ nghề. Từ đó, người lao động cập nhật kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng"-ông Trung nói.

Đồng thời, ông Trung cho biết thêm, với những nghề mà chi phí học nghề cao hơn, mang tính chất đặc thù nhưng có việc làm ngay phải có phương án cụ thể để hỗ trợ cho nhóm này.

Ông Trung nhận định: "Dành 3.000 đến 5.000 tỉ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp thì quỹ này vẫn đảm đương được. Đây là hỗ trợ thiết thực, cơ bản nhất đối với người lao động".

Từ việc hỗ trợ đào tạo lại, sẽ tạo cho người lao động kỹ năng, trình độ nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường. "Nếu làm kịp thời, thì mong rằng ngay từ tháng 5-6 người lao động đã được hỗ trợ, nhất là những người lao động bị mất việc bởi dịch COVID-19"-ông Trung nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn