MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ LĐTBXH sẽ khảo sát nhiều doanh nghiệp trên cả nước để thu thập thông tin về tình hình lao động, tiền lương. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Sẽ khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp để điều chỉnh lương tối thiểu vùng

ANH THƯ LDO | 21/01/2022 17:12
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ khảo sát nhiều doanh nghiệp trên cả nước để thu thập thông tin về tình hình lao động, tiền lương làm cơ sở cho việc đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2023.

Việc khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhằm cung cấp cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2023 và hoạch định chính sách về lao động, tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, việc khảo sát sẽ được tiến hành tại 2.000 doanh nghiệp ở 18 tỉnh, thành phố đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước có số lượng doanh nghiệp lớn, thị trường lao động phát triển.

Trong đó, 3 địa phương có số doanh nghiệp được khảo sát nhiều nhất là TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và TP.Đà Nẵng với mức 150 doanh nghiệp/thành phố.

Các doanh nghiệp thuộc diện khảo sát phải được thành lập và có hoạt động sản xuất, kinh doanh trước ngày 1.1.2021 và đến thời điểm này vẫn đang hoạt động. 

Ngoài tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: Chi phí, quỹ tiền lương, chi phí bảo hiểm xã hội, lợi nhuận trước thuế và các khoản phải nộp, nội dung khảo sát còn bao gồm việc thực hiện một số nội dung của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động, thỏa ước lao động; tuyển dụng và đào tạo lại.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng khảo sát về tình hình lao động, tiền lương của doanh nghiệp bao gồm: số lượng và cơ cấu lao động, tiền lương tối thiểu, thang bảng lương, quy chế trả lương, các mức tiền lương trong doanh nghiệp, tiền thưởng và các khoản thu nhập khác có tính chất lương, tình hình đóng - hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…

Ngoài ra, khảo sát phương thức thực hiện điều chỉnh tiền lương của doanh nghiệp khi Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2022 và ý kiến của doanh nghiệp về mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng dự kiến năm 2023.

Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.

Theo quy định của pháp luật, mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp. 

Trong năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của COVID-19 nên lương tối thiểu vùng đã không tăng và được thực hiện theo mức lương:

Mức 4.420.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I

Mức 3.920.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II

Mức 3.430.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III

Mức 3.070.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV

Tại Hội nghị về tiền lương của người lao động trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia - cho biết, hai năm qua, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc đàm phán, thương lượng tiền lương tối thiểu đã không được thực hiện.

Hiện nay, với việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, hầu hết các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động bình thường.

Bên cạnh các doanh nghiệp khó khăn, cũng có một bộ phận doanh nghiệp phát triển tốt, có doanh nghiệp đột phá về doanh thu, lợi nhuận” do là doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong bối cảnh dịch bệnh.

“Người lao động đã qua 2 năm chưa được tăng lương tối thiểu, đời sống khó khăn càng thêm chồng chất những khó khăn. Do đó, yêu cầu về tăng lương tối thiểu càng trở nên cấp thiết và không để “lỗi hẹn” với sự mong chờ của người lao động” - ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn