MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tài xế GrabBike Mi Sên nêu kiến nghị tại buổi gặp gỡ. Ảnh: PK

Sẽ… nghèo bền vững

THẾ LÂM LDO | 07/09/2019 14:14

Không khí tại “Buổi trao đổi giải đáp thắc mắc về nghĩa vụ thuế dành cho đối tác Grab 2 bánh” diễn ra tại TPHCM chiều 6.9 có lúc khiến người nghe nghẹn lòng. Là bởi, khi các tài xế xe ôm công nghệ (trong buổi gặp là các tài xế GrabBike) bị định danh là “cá nhân kinh doanh”, rất nhiều thứ bất hợp lý ập đến...

“Cá nhân kinh doanh” hay “gần như dưới cùng xã hội”?

Tài xế Đỗ Ngọc Thịnh trong ý kiến của mình đặt vấn đề: Tài xế xe ôm công nghệ bị áp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là “cá nhân kinh doanh” nhưng trên thực tế “chạy xe ôm là gần như dưới cùng của xã hội rồi”. Chúng tôi làm nghề này phải chịu mưa nắng cực nhọc, chạy 8 tiếng không đủ ăn nên phải chạy lên 10 - 12 tiếng mỗi ngày. Không ai muốn làm ngoài giờ cả nhưng không thế lấy gì nuôi vợ con? Vậy mà chúng tôi không được giảm trừ gia cảnh, thậm chí các khoản chi phí thường xuyên rất lớn như xăng dầu, Internet, hư hao xe, trang phục, mũ bảo hiểm… đều không được khấu trừ. Anh Thịnh khiến người nghe nghẹn lòng khi kể: “Ba ngày Tết, con cứ hỏi ba ơi sao cứ đi hoài không chở con đi chơi!”.

Chỉ rõ đích danh sự bất hợp lý, anh Mi Sên cho biết đã soạn sẵn một bản kiến nghị và đang lấy chữ ký của anh em. “Tôi sẽ kiến nghị tới cùng dù hành trình này mất bao lâu và phải ra tới cơ quan Trung ương”.

Theo anh Sên, việc thu thuế mức 4,5% thu nhập của anh em tài xế được Grab thu hộ Nhà nước là không sai, cơ quan thuế cũng không sai, nhưng bất hợp lý chính là sự định danh tài xế xe ôm là “cá nhân kinh doanh” khiến không thể xếp xe ôm công nghệ vào đối tượng chịu thuế TNCN được giảm trừ gia cảnh. Còn về phía kinh doanh, anh em cũng không được khấu trừ các chi phí thường xuyên và hợp lý vốn chiếm tỉ lệ rất lớn trong tổng doanh thu.

Cần điều chỉnh và sửa đổi

Đại diện Cục Thuế TPHCM tại buổi trao đổi có ông Nguyễn Văn Thiện - Trưởng phòng Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế. Ông Thiện cho hay, nhiều ý kiến cũng đã kiến nghị cần điều chỉnh tăng mức thu nhập chịu thuế TNCN đối với cá nhân kinh doanh hiện nay là 100 triệu đồng/năm. “Sau buổi này, chúng tôi sẽ tổng hợp ý kiến và báo cáo, kiến nghị với Tổng cục Thuế. Việc thu thuế TNCN đối với các tài xế GrabBike được chúng tôi thực hiện theo quy định, Grab thu hộ cũng theo quy định nên không sai, nhưng có những điều bất hợp lý không phù hợp với thực tế thì sẽ phải kiến nghị”. Cũng theo ông Thiện, đầu năm 2018 cũng diễn ra một cuộc đối thoại tương tự và Cục Thuế TPHCM đã có tổng hợp báo cáo lên Tổng cục Thuế.

Một tài xế GrabBike ở Bình Dương so sánh: Vợ em làm công ty thu nhập mỗi tháng 16 triệu, sau khi trừ các khoản loại trừ như BHXH, trang phục… và giảm trừ gia cảnh cho mẹ ruột, mỗi tháng khoản chịu thuế của vợ em chỉ còn 1,8 triệu đồng, số thuế phải đóng là 95.000 đồng, cả năm là 1.140.000 đồng. Còn em chạy xe ôm, thu nhập thấp hơn vợ, nhưng tổng số tiền thuế phải đóng lại cao hơn vợ em gấp 3 lần.

Một tài xế khác giãi bày, cứ doanh thu 1 triệu đồng thì Grab khấu trừ phí dịch vụ kết nối 20%, 10% cho tiền xăng, khoảng 10 ngày phải thay 1 bình nhớt 80.000 đồng, mỗi ngày tốn 7.000 đồng tiền 4G, mỗi 6 tháng thay một cặp lốp xe… Tất cả chi phí đó trong trường hợp “êm xuôi” không xảy ra hư hao, bệnh tật, tai nạn thì đã chiếm tới 30% thu nhập, hoàn toàn không được khấu trừ. Khoản thu nhập thuần còn lại dù không đạt 100 triệu đồng/năm vẫn phải chịu thuế. Một tài xế GrabBike trẻ lập luận: “Nhà nước có chủ trương xóa nghèo một cách bền vững nhưng với cách đánh thuế này thì chúng tôi mãi nghèo bền vững!”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn