MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sẽ có thêm nguồn lực lao động trong quý II/2023 (ảnh minh họa). Ảnh: M.Hạnh

Sẽ tăng thêm khoảng 150 nghìn việc làm mới trong quý II/2023

Đỗ Hạnh LDO | 10/05/2023 09:40

Theo dự báo của Bộ LĐTBXH, trong quý II/2023, sẽ tăng thêm khoảng 150.000 việc làm so với quý I/2023. Các ngành sản xuất sản phẩm điện tử máy tính và sản phẩm quang học dự kiến tăng thêm 28.200 việc làm, sản xuất chế biến thực phẩm tăng thêm 18.600; sản xuất đồ uống tăng thêm 4.700 người.

Nhiều ngành nghề có đông người lao động tìm việc

Theo dự báo của Bộ LĐTBXH, trong quý II/2023, một số nghề được người lao động tìm việc nhiều nhất là lao động giản đơn trong lĩnh vực công nghiệp; nhân viên bán hàng và kinh doanh; kế toán và tài chính; quản lí sản xuất; quản lí nhân sự và quản lí dự án…

Cùng đó, những nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là phát triển phần mềm, quản trị mạng, an ninh mạng, chuyên viên dữ liệu và truyền thông; kế toán và tài chính; kinh doanh, bán hàng quản lí sản phẩm; tư vấn sức khỏe và các công việc liên quan đến chăm sóc sức khỏe; kĩ sư cơ khí, điện tử, tự động hóa.

Tuy nhiên, Bộ LĐTBXH cũng nhận định, thị trường lao động vẫn còn nhiều thách thức trong quý II/2023. Dự báo ngành may mặc sẽ tiếp tục giảm 38.100 việc làm; sản xuất giường tủ bàn ghế giảm 38.000; in, sao chép bản ghi các loại giảm 37.800 lao động…

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, có gần 294.000 lao động phải nghỉ, giãn việc do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng trong 3 tháng đầu năm 2023. Cả nước có gần 118.000 lao động bị mất việc tại các doanh nghiệp trong quý IV/2022. Sang quý I/2023, con số này không giảm đi mà tăng lên, với số lượng gần 149.000 người.

Ứng phó để phục hồi thị trường lao động

Theo các chuyên gia, trong quý II/2023, cần có biện pháp ứng phó trước tình trạng giảm sút đơn hàng của nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh như: Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang… Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐVN - bà Hồ Thị Kim Ngân - cho rằng, một trong những nguyên nhân chính của tình trạng cắt giảm lao động diễn ra thời gian qua là do các doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, khi cắt giảm lao động, doanh nghiệp sẽ thay thế lao động có tay nghề thấp, những lao động có trình độ cao sẽ được ưu tiên giữ lại bởi họ có thể đảm nhiệm cùng lúc nhiều công việc khác nhau. Do đó, để ứng phó với những biến động của thị trường lao động, người lao động cần nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu công việc.

Cũng cần thấy rằng, chính các doanh nghiệp có trách nhiệm trong việc đào tạo người lao động bao gồm cả ngắn hạn và dài hạn. Về phía các cơ quan quản lí nhà nước, các trung tâm đào tạo cũng cần tăng cường phối hợp với doanh nghiệp trong việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động.

Để phục hồi thị trường lao động, cần tập trung phát triển nguồn nhân lực, cần nắm chắc thị trường lao động đang có nhu cầu ở những ngành nghề nào, số lượng bao nhiêu, từ đó đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động.

Ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho rằng, chỉ khi doanh nghiệp tồn tại, mới giữ chân người lao động do đó cần hỗ trợ lao động kĩ năng tay nghề tham gia đào tạo, bổ túc, nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu hiện nay của doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn