MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhóm công nhân lao động bị công ty cung ứng lao động xù lương. Ảnh: Đình Trọng

Siết chặt quản lý hoạt động lĩnh vực cho thuê lại lao động ở Bình Dương

Đình Trọng LDO | 24/05/2024 09:30

Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp với khoảng 1,2 triệu lao động, trong số đó, có hàng chục nghìn lao động thời vụ được các công ty cung ứng lao động cho doanh nghiệp sản xuất thuê lại. Quan hệ lao động trong lĩnh vực này đang tiềm ẩn nhiều vấn đề phát sinh phức tạp.

Rủi ro, thiệt thòi của người lao động thông qua công ty môi giới

Tháng 6.2022, tại Bình Dương xôn xao vụ việc gần 20 công nhân bị công ty cung ứng lao động xù lương. Theo phản ánh của người lao động (NLĐ), thông qua Công ty TNHH Cung ứng lao động Tấn Phát (phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, gọi tắt là Công ty Tấn Phát), họ vào làm việc ở nhà xưởng sản xuất quạt máy của Công ty TNHH Công nghiệp H.D - Khu công nghiệp Đại Đăng phường Phú Tân, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương.

Ngày 15 hằng tháng, nhân viên của Công ty Tấn Phát đến nhà xưởng phát lương bằng tiền mặt cho công nhân. Tuy nhiên, đến ngày 15.6.2022, gần 20 công nhân không được chi trả lương. Công nhân trở lại nhà máy của Công ty TNHH Công nghiệp H.D, thì công ty này cho biết, đã chuyển trả tiền lương cho Công ty Tấn Phát từ ngày 14.6.2022. Công nhân đến Công ty Tấn Phát nhiều lần nhưng không gặp được ai.

Chị Bùi Thị Mỹ Phúc (sinh năm 1987, ngụ Bình Dương) chia sẻ: “Vì nhiều lý do, chúng tôi phải thông qua công ty cung ứng để đi làm. Tuy nhiên, làm thời vụ chịu nhiều thiệt thòi, không được đóng các loại bảo hiểm, lỡ ốm đau không có BHYT, mất việc cũng không có BHTN”.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, sau khi nhận được đơn của NLĐ, Thanh tra sở đã vào cuộc kiểm tra xử lý. Sở đã nhiều lần gửi giấy mời, nhưng không liên lạc được với Giám đốc Công ty Tấn Phát. Theo dữ liệu quản lý thì Công ty Tấn Phát không có đăng ký hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động, cung ứng lao động với Sở LĐTBXH.

Thanh tra 10 doanh nghiệp cho thuê lại lao động

Theo Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương, đến nay sở đã trình UBND tỉnh Bình Dương cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động cho 23 doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định được hoạt động trong lĩnh vực này.

Hiện trên địa bàn tỉnh có rất nhiều công ty cho thuê lao động, trong đó cũng có những doanh nghiệp đã được UBND tỉnh/thành khác cấp giấy phép và sang địa bàn tỉnh Bình Dương hoặc tỉnh khác để hoạt động. Dự kiến trong năm 2024, Thanh tra Sở LĐTBXH sẽ thực hiện thanh tra tại 10 doanh nghiệp cho thuê lại lao động.

Về việc ký quỹ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động, ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương - cho biết, đối với các công ty do tỉnh cấp phép - đều đảm bảo về điều kiện ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động.

Trong quá trình thẩm định, sở đều phối hợp với ngân hàng, nơi doanh nghiệp thực hiện ký quỹ để xác minh việc ký quỹ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định sẽ có những công ty cho thuê lao động khác do các tỉnh/thành khác cấp giấy phép và đến địa bàn tỉnh Bình Dương hoặc tỉnh khác để hoạt động.

Vì vậy trong thời gian tới, bên cạnh công tác thanh, kiểm tra của Thanh tra, sở sẽ thường xuyên tuyên truyền, đôn đốc các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lao động trong việc thực hiện trách nhiệm báo cáo cũng như thực hiện đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp cho thuê lại theo quy định của pháp luật lao động.

Cần kiểm tra cả doanh nghiệp sản xuất thuê lao động

Theo ghi nhận, hiện nay, ở Bình Dương có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất thuê lao động của các công ty cung ứng. Có doanh nghiệp sản xuất sử dụng số lượng lớn lao động cho thuê và chỉ ký hợp đồng thời vụ. NLĐ làm việc thời gian dài trong công ty nhưng không được doanh nghiệp sản xuất và công ty cung ứng thực hiện hồ sơ để tham gia các loại bảo hiểm theo quy định. NLĐ kiến nghị cần thanh tra cả phía doanh nghiệp sản xuất thuê lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn