MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Công ty TNHH Nissei Electric Hà Nội đi chợ mua thức ăn dự trữ vì dịch COVID-19. Ảnh: Phương - Hân

Sinh hoạt đảo lộn của công nhân khu công nghiệp khi dịch bùng phát trở lại

Đỗ Phương - Bảo Hân LDO | 14/05/2021 08:53

Từ đi chợ mỗi ngày mua thức ăn, công nhân chuyển lên thành 3-4 ngày mới đi chợ một lần; không được gặp người thân ngay tại nơi sinh sống; chuyển sang thức ăn nhanh thay vì ăn cơm ngoài tiệm... là một trong những thói quen mà công nhân (CN) Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) phải thay đổi khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại.

Xem khẩu trang như vật bất ly thân

Ngày 13.5, chúng tôi gặp anh Nguyễn Xuân Hoàng (SN 1997, quê ở Sơn La) - CN Công ty TNHH Eiwo (KCN Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) đang xách túi đựng thức ăn vừa mua được để dùng làm bữa trưa. Thường thì sau mỗi ca làm, anh Hoàng sẽ ra quán cơm bình dân gần phòng trọ để mua cơm ăn tại quán nhưng nay dịch phức tạp, anh chỉ mua tạm gói xúc xích, vài chai nước ngọt để làm bữa trưa.

Theo chân anh Hoàng về nhà trọ, Hoàng nói với chúng tôi “phải xin phép chủ nhà, vì ở đây không cho phép đưa người lạ về nhà, nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19”. Cũng vì điều này mà khu nhà trọ khoảng 15 phòng cho thuê nơi Hoàng sinh sống trở nên vắng vẻ, im lìm hơn bao giờ hết. Theo quan sát, các phòng có CN thuê trọ đều “cửa đóng then cài”.

Hoàng thuê căn phòng ở trên tầng 2 của khu trọ trông khá cũ kỹ, tại đây, chúng tôi được nghe kể nhiều hơn về cuộc sống cũng như công việc của anh. Căn phòng mà anh thuê khoảng 10m2 với mức giá 600.000 đồng mỗi tháng, trên trần nhà được lợp bằng tôn và ximăng, rất nóng bức. Trong phòng duy chỉ có chiếc quạt và 1 máy điện thoại di động là vật dụng giá trị nhất.

Anh Hoàng kể, anh mới xuống Hà Nội làm CN được 2 tháng nay, đúng thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại. Điều này đã làm thay đổi ít nhiều đến thói quen sinh hoạt hằng ngày của anh.

“Chiếc khẩu trang dường như là vật bất ly thân không thể thiếu, rất lâu rồi tôi không nói chuyện hay tiếp xúc với ai. Cả ngày chỉ từ nhà trọ đến công ty rồi trở về” - anh nói.

Tốt nghiệp đại học, Hoàng không xin được việc nên ở nhà phụ giúp bố mẹ một năm rồi mới xuống Hà Nội xin làm CN. Ở đây, anh không quen biết ai, mọi thứ lại phải hạn chế vì dịch nên cuộc sống của chàng thanh niên độc thân càng trở nên đơn điệu, tẻ nhạt hơn. “Nếu dịch cứ tiếp tục như này, tôi lo sợ rằng sẽ bị mất việc. Rồi lại về quê không biết làm gì” - Hoàng bộc bạch.

Cứ 3-4 hôm mới đi chợ một lần

Cũng giống như anh Hoàng, chị Sa Thị Bích Đào (SN 2002, quê ở Phú Thọ) - CN Công ty TNHH Nissei Electric Hà Nội (Đông Anh, Hà Nội) - cũng bị đảo lộn khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại.

Vừa làm ca đêm từ 9 rưỡi tối đến 6 giờ sáng, chị Đào chỉ kịp nghỉ ngơi một chút rồi lấy xe máy ra chợ mua thức ăn tích trữ. Chị Đào bảo, do dịch nên thay vì đi chợ mỗi ngày 1 lần như trước đây, giờ chị chuyển sang 3-4 ngày mới đi chợ một lần. Do vậy mà lần đi chợ này có nhiều thức ăn hơn khi có 3 quả xoài, 2 bó rau, 100.000 đồng tiền thịt chia làm 3 ngày nấu cơm.

Dịch không chỉ thay đổi thói quen sinh hoạt của chị Đào mà ngay cả việc người thân trong gia đình đến thăm tại ký túc xá cũng trở nên khó khăn hơn.

“Cuối tuần vừa rồi mẹ tôi vừa lên thăm nhưng ban quản lý không cho người lạ lên phòng. Vậy là tôi chỉ có thể gặp mẹ ở khoảng sân dưới khu ký túc xá một lúc rồi chào nhau” - chị Đào kể lại.

Được biết, chị Đào mới làm CN được 4 tháng, hiện đang sống tại khu ký túc xá công ty, dịch COVID-19 khiến Đào không được tăng ca từ đó mà thu nhập giảm sút đáng kể.

“Lương của tôi gần 6 triệu đồng/tháng nhưng thường xuyên phải làm ca đêm. Dịch COVID-19 ở khu công nghiệp còn diễn biến phức tạp nên công việc của tôi bị ảnh hưởng đáng kể. Nếu bây giờ xin việc ở nơi khác chắc sẽ khó khăn nên tôi vẫn phải cố gắng bám trụ ở đây” - Đào cho biết.

Nhìn khuôn mặt mệt mỏi, đôi mắt thâm quầng, giọng nói yếu ớt mới hiểu được rõ áp lực, mệt mỏi mà cô gái chưa đầy 20 tuổi này đang chia sẻ là thật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn