MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sinh viên bị mất tiền oan vì tin vào việc làm online. Ảnh NVCC

Sinh viên mất tiền oan vì tin vào tuyển dụng việc làm trên mạng xã hội

Chu Trang LDO | 25/10/2022 15:19

Sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm việc làm, nhiều sinh viên rơi vào tầm ngắm của những đối tượng lừa đảo. Không ít người đã bị mất phí đặt cọc ban đầu, lệ phí đào tạo thậm chí bị “bùng” lương...

Mất oan tiền cọc

Trao đổi về vấn đề này, bạn Nguyễn Thị Phương (SN 2001, Hà Nội) - sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết do tin tưởng nhóm tuyển gia sư có gần 130.000 thành viên nên khi thấy thông tin lớp dạy phù hợp với chuyên ngành đã chủ động nhắn tin nhận lớp. 

Sau khi trao đổi, bên tuyển dụng cho biết mỗi tuần dạy hai buổi, mỗi buổi hai giờ, học phí 1,5 triệu đồng/tháng và phí môi giới là 50% thu nhập tháng đầu - tức là 750.000 đồng.

"Thấy thông tin về lớp học khá chi tiết, tôi đã chuyển tiền cho chủ số tài khoản trên và yên tâm chờ tới ngày nhận lớp. Sau khi nộp tiền, trung tâm sử dụng nhiều cách như cho số điện thoại phụ huynh không đúng. Tôi không liên hệ được với phụ huynh, song họ cũng không giải quyết. Hơn nữa, địa điểm của trung tâm không chính xác, thay đổi liên tục” - bạn Phương cho biết.

Sau khi biết mình bị lừa, nữ sinh lên nhóm gia sư và chia sẻ về sự việc thì không ngờ có hơn 10 người cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Họ đã dùng tin nhắn chuyển tiền của người này, gửi qua cho người khác để tạo được lòng tin.

Là sinh viên năm cuối đại học, bạn Nguyễn Thanh Thảo (21 tuổi, Hà Nội) - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã bị “sập bẫy” bởi những chiêu trò lừa đảo tinh vi .

Sau khi lân la 3 ngày trên các group "Viết content tại nhà", Thảo cũng tìm được một công việc phù hợp với bản thân là nhận công việc trực tuyến với mức tiền công 30.000 đồng/1 bài viết khoảng 150 từ. 

Bạn Thảo đã ứng tuyển vào công việc trên. Quá trình trở thành cộng tác viên, sinh viên này phải trải qua 2 vòng thi. Vòng thứ nhất phỏng vấn online, vòng thứ hai kiểm tra viết. Bài kiểm tra viết mắc một số lỗi và được bên tuyển dụng chỉ bảo tận tình, nên Thảo đặt niềm tin rất cao về công việc này.

Khi được hỏi về hợp đồng lao động, người tuyển dụng cho hay đây là công ty nhỏ, không có hợp đồng cho cộng tác viên. Thảo chỉ làm việc online, thỏa thuận bằng miệng.

Sinh viên nên tránh các công việc yêu cầu đặt cọc. Ảnh NVCC

Bạn Thảo chia sẻ: "Theo cam kết viết bài xong gửi lại cho họ, sau đó tôi sẽ được tính tiền công. Sau 1 tháng, 25 bài viết của tôi được chuyển cho công ty. Song, số tiền công thì mất hút".

Tỉnh táo khi tìm việc qua mạng

Bạn Vương Thị Ánh (20 tuổi) cho biết, khi là sinh viên năm nhất đã "dính" cú lừa đầu tiên khi kiếm việc làm thêm. Tìm trên Facebook, Ánh nhận thấy công việc nhân viên phục theo ca tại một quán cafe, mức lương 4 - 6 triệu đồng/tháng khá phù hợp.

Sau đó, Ánh được chỉ dẫn đến một văn phòng ở đường Phạm Tuấn Tài (quận Cầu Giấy, Hà Nội) để phỏng vấn.

Nhằm tạo lòng tin, người tuyển dụng còn ra vẻ "tốt bụng" khi đưa ra thông tin cảnh báo đừng để "dính bẫy" đa cấp, đồng thời khẳng định 100% làm việc uy tín, chuyên nghiệp và yêu cầu ứng viên chuyển khoản 500.000 đồng để giữ chỗ.

Thế nhưng, sau khi đến địa chỉ được cung cấp, sinh viên này không thể nào tìm ra được quán cafe. Sau đó gọi vào số điện thoại của người tuyển dụng, họ đã tắt máy...

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội khuyến cáo, khi sử dụng mạng xã hội tìm việc làm trực tuyến, người lao động cần kiểm tra kỹ thông tin các đơn vị tuyển dụng. Bên cạnh đó, người lao động cũng nên đến các trung tâm dịch vụ việc làm uy tín để được kết nối công việc phù hợp, tìm kiếm nhà tuyển dụng tin cậy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn