MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh Anh Thư

Số lao động có việc làm giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua

ANH THƯ LDO | 29/06/2020 16:06
Theo tính toán sơ bộ của Cục Việc làm, đến tháng 6.2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị mất việc làm, nghỉ giãn việc, giảm giờ làm... do ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19.

Chiều 29.6, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị "Các giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp do tác động của dịch COVID-19".

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)-cho biết, Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề về thị trường lao động. Số lao động mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm trong và ngoài nước đều gặp khó khăn trong 6 tháng đầu năm.

"Lực lượng lao động thấp kỉ lục, lao động có việc có mức giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm" - ông Bình nhấn mạnh.

Theo tính toán sơ bộ của Cục Việc làm, đến tháng 6.2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19, bao gồm những người bị mất việc làm, nghỉ giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…

Trong số những người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỉ trọng lớn nhất là 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng (tương ứng 17,6 triệu người); 7,8 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc, lao động khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất với 72%; tiếp đến là 67% khu vực công nghiệp; 25,1% khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản.

Số lao động bị mất việc làm trong 6 tháng đầu năm khoảng 1,4 triệu người, trong đó lao động mất việc làm do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phá sản, giải thể hoặc thu hẹp sản xuất là gần 900 nghìn người.

Lao động mất việc làm tập trung ở các ngành công nghiệp chế biến, lao động trong ngành bán buôn bán lẻ, ngành vận tải kho bãi và lao động trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống…

Trong số lao động mất việc làm liên tục gia tăng thì kết quả giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm rất thấp. Ước tính giải quyết việc làm cho 540.000 lao động.

Nhu cầu tuyển dụng lao động 5 tháng đầu năm vẫn rất thấp so với cùng kì, tại TP. Hồ Chí minh giảm 28%, Hà Nội giảm 23%.

Đồng thời một loạt các thị trường lao động lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc,… bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nên phải ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam, nhiều đơn hàng tuyển dụng, đợt xuất cảnh lao động đều bị tạm dừng trong 6 tháng đầu năm.

 Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm.

Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, trước bối cảnh hiện tại, Việt Nam đứng trước nhiều thách thức và cơ hội đặc thù. Khi các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc không thể hoạt động bình thường thì hoạt động sản xuất, chế biến, chế tạo và du lịch trong nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nước ta gặp khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu và không thể xuất khẩu khi các thị trường đối tác ngưng trệ. Những thành phố du lịch lớn của Việt Nam bị tác động nghiêm trong do khách quốc tế trong tình trạng biên giới tiếp tục bị kiểm soát chặt chẽ ngăn ngừa dịch bệnh.

Theo ông Bình, Việt Nam với thành công trong công tác phòng chống dịch COVID-19 đang dần trở thành một điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư nước ngoài. Các dòng vốn này hướng đến Việt Nam để tìm kiếm hiệu quả đầu tư, lao động, môi trường kinh doanh...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn