MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sớm cải cách để rút ngắn khoảng cách tiền lương giữa khu vực công và tư

ANH THƯ LDO | 20/10/2022 15:14
Nếu đề xuất tăng lương cơ sở được thông qua, sẽ giúp cải thiện phần nào thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc cải cách tiền lương cần sớm được thực hiện để rút ngắn khoảng cách tiền lương khu vực công và tư.

Năm 2014, chị B.T.N chính thức vào biên chế, giảng dạy tại trường trung học cơ sở ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Là cô giáo dạy môn Ngữ văn, chị N dồn tâm huyết trong công việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức.

Đến nay, chị đang có mức lương bậc 3, với thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng. So với bạn bè làm cho các doanh nghiệp, nhà máy, lương tháng của chị N thấp hơn khá nhiều.

Tận dụng thời gian rảnh rỗi, đặc biệt vào lúc nghỉ hè, chị N tranh thủ bán hàng online để kiếm thêm thu nhập.

"Dù ở quê, nhưng nếu gia đình có con nhỏ thì chi tiêu khá nhiều. Vì vậy, tôi tranh thủ bán hàng, kiếm thêm thu nhập để nuôi con" - chị N chia sẻ.

Đợt này, Chính phủ đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng, chị N cùng nhiều thầy cô khác cũng rất mong đợi.

"Bên cạnh mức tăng trên, chúng tôi mong muốn được điều chỉnh tăng với thời gian sớm hơn. Nếu được tăng ngay từ đầu năm 2023 thì càng có ý nghĩa với công chức, viên chức" - chị N chia sẻ.

Liên quan đến đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, đây sẽ là nỗ lực, cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước. Qua đó, tiền lương của công chức, viên chức, người lao động sẽ được cải thiện đáng kể.

Theo ông Lợi phân tích, mức tăng lương hơn 20% là mức tính toán hợp lý, để bù đắp cho 3 năm chưa tăng lương do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trước kiến nghị của nhiều công chức, viên chức về thời gian điều chỉnh, chuyên gia này cho rằng, thời gian điểu chỉnh lương hưu sớm hơn dự kiến sẽ là sự động viên rất lớn đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, lộ trình cải cách chế độ tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện từ năm 2021. Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng dịch COVID-19, chủ trương này đã được quyết định lùi đến thời điểm thích hợp.

Vì vậy, theo ông Lợi, việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ năm 2023 sẽ giúp cải thiện phần nào thu nhập thực tế cũng như đời sống của người lao động ở khu vực công vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, việc cải cách tiền lương cần sớm được thực hiện để rút ngắn khoảng cách tiền lương khu vực công và tư.

Nguyên thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, sau nhiều năm bị trì hoãn, việc tăng lương cơ sở được bàn bạc, thảo luận. Nhiều công chức, viên chức rất mong chờ được tăng lương từ lâu.

Song theo chuyên gia này, việc tăng lương cơ sở chỉ giải quyết vấn đề trước mắt. Về sâu xa, cần phải tiến tới cải cách tiền lương cho người lao động. Vấn đề này đã được mang ra bàn thảo từ lâu.

Ông Huân cho rằng, để cải cách tiền lương cần sắp xếp lại bộ máy tổ chức tinh gọn, hiệu quả. Nếu làm tốt phần này, thì việc cải cách tiền lương được coi là thành công một nửa.

Khi đó, công chức, viên chức được trả lương theo vị trí việc làm. Lúc này, tiền lương công chức, viên chức sẽ được trả xứng đáng, đảm bảo cân đối giữa mức lương khu vực công và tư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn