MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp và tìm kiếm việc làm mới. Ảnh: Hạnh Hà

Sớm triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động tìm việc

LƯƠNG HẠNH LDO | 14/09/2023 08:46

Khi không có việc làm, nhiều chi phí phát sinh khiến người lao động chọn cách rời thành phố trở về quê hương. Theo các chuyên gia, di cư lao động tuân thủ theo quy luật của sự phát triển kinh tế. Nơi nào kinh tế phát triển, tạo nhiều công ăn việc làm thì lao động sẽ tìm đến.

Hoang mang xin nghỉ việc

Với ông Nguyễn Nhật Duy (trú tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), nghỉ việc là “cú sốc” sau nhiều năm làm việc tại một công ty dệt may ở TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Mỗi ngày, ông đều di chuyển bằng xe ôtô của công ty để đi làm. Đều đặn như vậy trong suốt 29 năm, ông có mức thu nhập ổn định khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng. Dịch COVID-19 đã khiến nhiều công ty bị ảnh hưởng nặng nề, công ty ông cũng không ngoại lệ.

Không có đơn hàng, công ty buộc phải cắt giảm nhân sự để duy trì sản xuất. Người lao động trong công ty bị giảm đến 50% mức thu nhập, ông Duy cũng là một trong số đó.

“Tôi bị giảm việc làm nên lương còn khoảng gần 5 triệu đồng/tháng. Với công nhân, lao động giản đơn còn khổ hơn, mức lương họ nhận về chỉ khoảng 3-4 triệu đồng/tháng” - ông Duy nói.

Đã 2 tháng trôi qua kể từ khi nghỉ việc, ông cũng bày tỏ mong mỏi tìm kiếm được công việc phù hợp trong khi ông vẫn còn khả năng lao động, kiếm thu nhập và cống hiến cho xã hội. Tuy nhiên ở độ tuổi này, ông cũng liên tục gặp khó khi muốn có công việc như ý.

Theo báo cáo xu hướng triển vọng việc làm và xã hội thế giới 2023 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì năm 2023 hầu hết các quốc gia sẽ không thể phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch, việc làm toàn cầu được dự báo chỉ tăng 1%, giảm đáng kể so với tốc độ tăng việc làm 2,3% của năm 2022.

Số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm là 509.903 người, trong đó, số lao động thôi việc, mất việc làm chiếm 54,79%. 17.003 người bị ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương. Số lao động chưa qua đào tạo lại thôi việc, mất việc nhiều nhất, với tỉ lệ 68%.

Hỗ trợ tối đa người lao động trở về

Trao đổi với PV Báo Lao Động vào sáng 13.9, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Lao động - Khoa học và Xã hội (Bộ LĐTBXH) nhận định, dòng di cư lao động tuân thủ theo quy luật của sự phát triển kinh tế. Nơi nào kinh tế phát triển, tạo nhiều công ăn việc làm thì lao động sẽ tìm đến.

Trong thời gian qua ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều lao động không có việc làm. Trong kinh tế cũng có chỉ số sinh tồn, nếu không có cơm ăn, áo mặc rất khó giữ chân người lao động ở lại.

Bà Hương cho rằng, trước hết phải thực hiện việc khai báo lao động bằng hình thức trực tuyến. Ở đây, các cơ quan có chức năng liên quan sẽ nắm bắt được nhu cầu của họ ra sao, họ muốn ở lại hay muốn về quê. Nhờ việc khai báo này, cũng là dịp rà soát lại lao động và tổ chức lại thị trường lao động.

Sau khi kiểm soát được dịch COVID-19, các doanh nghiệp phục hồi và hoạt động trở lại. Song, bà Hương đánh giá, sẽ xuất hiện nhiều ngành nghề mới và cũng nhiều công việc mất đi. Lúc này, cần có những chương trình hỗ trợ người lao động như đào tạo, đào tạo lại để thích ứng yêu cầu công việc mới. Dĩ nhiên, những ngành có điều kiện lao động và mức lương tốt luôn thu hút người lao động.

Đối với những người lao động đã trở về quê hương, bà Hương cho rằng, các tỉnh, thành phố cần tích cực tìm kiếm giải pháp cho thị trường lao động với những chương trình việc làm như vay vốn, dự án khởi nghiệp tại nông thôn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn