MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải phát biểu trong buổi làm việc với LĐLĐ TPHCM. Ảnh: Nam Dương

Sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam: Làm cho đoàn viên công đoàn thấy rõ sự tự hào, quyền lợi khi tham gia tổ chức

Nam Dương LDO | 14/03/2023 08:54
Đoàn khảo sát của Tổng LĐLĐVN do Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải dẫn đầu đã làm việc với LĐLĐ TPHCM về việc lấy ý kiến một số nội dung dự thảo lần 2 Điều lệ Công đoàn (CĐ) Việt Nam (sửa đổi bổ sung) cuối tuần qua.

Băn khoăn quy định cán bộ Công đoàn phải thi tuyển như công chức

Bà Lê Thị Kim Phúc, Phó Chủ tịch CĐCS Công ty  Cổ phần L & A trực thuộc LĐLĐ quận Bình Thạnh nhận xét, Luật Công đoàn 2013 và Điều lệ Công đoàn Việt Nam hiện hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các cấp CĐ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đóng góp quan trọng vào sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, các quy định về cán bộ CĐ hiện còn chưa rõ ràng, chưa phân biệt rõ cán bộ CĐ là công chức trong các cơ quan chuyên trách CĐ các cấp với cán bộ CĐ chuyên trách trong doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.  Các cán bộ CĐ chuyên trách trong doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập chưa được định danh rõ ràng, nên việc tuyển dụng, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách với cán bộ còn nhiều khó khăn.

“Trong bối cảnh sẽ có thêm tổ chức đại diện NLĐ tại doanh nghiệp, việc làm rõ quy định thế nào là cán bộ CĐ chuyên trách tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và việc tuyển dụng, chính sách tiền lương cho họ là hết sức cần thiết. Và có nên quy định cán bộ CĐ thì phải thi tuyển giống công chức không vì Luật Công đoàn hiện cũng không có quy định này” - bà Lê Thị Kim Phúc kiến nghị.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân - cũng cho rằng, theo Đề án vị trí việc làm thì cán bộ CĐ phải là công chức. Tuy nhiên, có nhất thiết cán bộ CĐ có phải là công chức không?

Theo bà Trần Thị Hồng Vân - Chủ tịch CĐCS Công ty Nissei Electric Việt Nam: Nhiệm vụ quan trọng nhất của cán bộ CĐCS ở doanh nghiệp vẫn là hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao để tồn tại. Trong khi hiện nay hoạt động của CĐCS rất nhiều, rất tốn thời gian để có thể tổ chức hoạt động CĐ thiết thực, hiệu quả và cán bộ CĐCS phải nỗ lực gấp bội so với những quản lý khác đồng cấp, để vừa làm tốt công việc chuyên môn và vừa thực hiện nhiệm vụ CĐ.

Từ đó, bà Vân kiến nghị, Điều lệ CĐ Việt Nam sửa đổi, bổ sung cần quy định nhiệm vụ của CĐCS ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm, chú trọng thực hiện nhiệm vụ cốt lõi liên quan trực tiếp đến đoàn viên, NLĐ, hạn chế nhiệm vụ tuyên truyền liên quan đến các ngành, giới khác.

Thích ứng với tình hình mới và đặc trưng hoạt động Công đoàn Việt Nam

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải nêu rõ, trong thời gian tới đây, dự báo hoạt động CĐ sẽ có nhiều thách thức mới, nên dự thảo cũng phải quy định những điều mới, thậm chí chưa có trong thực tiễn.

Tuy nhiên, Điều lệ phải đáp ứng yêu cầu tình hình mới và đặc trưng hoạt động CĐ Việt Nam, phải làm rõ CĐ thực sự là tổ chức đại diện của NLĐ bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng thông qua thương lượng mà không chỉ đoàn viên CĐ mà NLĐ cũng được hưởng. Với tư cách thành viên của hệ thống chính trị, tổ chức CĐ phải tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, để đoàn viên CĐ, NLĐ hưởng phúc lợi tốt hơn.

Nhiều quyền lợi của NLĐ đã được quy định trong các văn bản pháp luật, nhưng có lúc, có nơi, NLĐ chưa được hưởng đầy đủ quyền lợi này, thì tổ chức CĐ phải làm thế nào để ít nhất NLĐ được hưởng quyền lợi hợp pháp đó và có thể cao hơn. Tổ chức CĐ cần phải phối hợp đồng bộ, kịp thời với các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị để bảo vệ, chăm lo quyền lợi của đoàn viên, NLĐ. Phải làm rõ để doanh nghiệp thấy, sự quan tâm, chăm lo cho NLĐ chính là tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp ổn định, bền vững và doanh nghiệp cũng có vai trò, trách nhiệm tham gia vào việc chăm lo đó. Doanh nghiệp cũng cần phát huy tốt văn hóa của doanh nghiệp, văn hóa của Tập đoàn đa quốc gia phù hợp với văn hóa Việt Nam để chia sẻ với NLĐ.

“Bên cạnh đó, cũng cần làm cho đoàn viên CĐ thấy rõ sự tự hào, quyền lợi khi tham gia tổ chức và phải có trách nhiệm với tổ chức. Đó không chỉ là việc đóng đoàn phí, mà nếu vào CĐ thì phải cùng nhau đoàn kết, tạo nên sức mạnh thương lượng với doanh nghiệp để có tiền lương, việc làm tốt hơn, vai trò trong xã hội được coi trọng hơn. Điều lệ cũng cần quan tâm đến việc bảo vệ cán bộ CĐ, nhất là cán bộ CĐ khu vực ngoài nhà nước để mọi người an tâm, cống hiến cho tổ chức”, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn