MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Văn Danh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Tĩnh phát biểu tại hội nghị 10 năm thực hiện Luật Công đoàn của Liên đoàn Lao Động Hà Tĩnh tổ chức sáng 17.10. Ảnh: Trần Tuấn.

Sửa đổi Luật Công đoàn để tổ chức Công đoàn hoạt động hiệu quả hơn

TRẦN TUẤN LDO | 17/10/2022 13:12
Hà Tĩnh - Sáng 17.10, LĐLĐ Hà Tĩnh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Công đoàn.

Ông Ngô Đình Vân - Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Tĩnh báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Công đoàn đã nêu rõ, ngay sau khi Luật Công đoàn năm 2012 có hiệu lực, LĐLĐ Hà Tĩnh đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai tuyên truyền sâu rộng đến tận cơ sở bằng nhiều hình thức, phương pháp như mở lớp tuyên truyền, phát tờ rơi, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu.

Phối hợp với Sở LĐTBXH, BHXH tỉnh Hà Tĩnh tuyên truyền lưu động, tổ chức sân chơi tìm hiểu pháp luật; nhân rộng mô hình sinh hoạt “Ngày pháp luật” hàng tháng; xây dựng tủ sách pháp luật, tăng cường tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng và trên website, mạng xã hội...

Hội nghị nghe ông Ngô Đình Vân - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Tĩnh báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Luật Công đoàn. Ảnh: Trần Tuấn.

Nhờ có Luật Công đoàn năm 2012 nên tổ chức Công đoàn có thêm hành lang pháp lý để tổ chức thực hiện có hiệu quả chức năng nhiệm vụ, nâng tầm vị thế của tổ chức công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh.

Tuy vậy, bên cạnh những thuận lợi mang lại thì trải qua 10 năm thực hiện, Luật Công đoàn năm 2012 cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc khó thực hiện cần phải bổ sung, sửa đổi.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng đã phát biểu nêu rõ những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở khi thực hiện Luật Công đoàn năm 2012 và kiến nghị cần được sửa đổi kịp thời để tháo gỡ, giúp tổ chức Công đoàn thuận lợi, có căn cứ pháp lý rõ ràng và phù hợp với thực tiễn để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.

Ông Hồ Sỹ Quốc - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Formosa Hà Tĩnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Tuấn.

Trong đó, phần lớn đề cập đến vướng mắc khi cán bộ công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp chủ yếu là kiêm nhiệm, việc làm, tiền lương, các chế độ, chính sách khác hoàn toàn phụ thuộc vào người sử dụng lao động về nên họ không dám đấu tranh, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Luật Công đoàn hiện hành tuy đã có cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn nhưng trên thực tế rất khó để thực hiện, nhất là bố trí việc làm cho cán bộ CĐCS khi bị người sử dụng lao động chấm dứt họp đồng lao động, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, việc làm, thu nhập của cán bộ công đoàn không chuyên trách.

Việc thực hiện quyền đại diện cho tập thể người lao động hoặc người lao động khởi kiện tại Tòa án, các vấn đề ủy quyền khi tham gia giải quyết tranh chấp lao động còn quy định chung chung, chưa có sự thống nhất giữa Luật Công đoàn và các luật khác có liên quan. 

Ông Phan Văn Anh - Phó Giám đốc BHXH Hà Tĩnh cho rằng còn vướng mắc, không thực hiện được khi BHXH Hà Tĩnh phối hợp với Công đoàn để khởi kiện tranh chấp lao động ra tòa án để bảo vệ quyền lợi người lao động. Ảnh: Trần Tuấn.

Nhiều ý kiến phát biểu đã được ông Nguyễn Văn Danh - Chủ tịch LĐLĐ Hà Tĩnh giải đáp, mổ xẻ, phân tích kĩ để đại biểu rõ hơn nhằm thực hiện đúng, trúng, có hiệu quả chức năng nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.

Chủ tịch LĐLĐ Hà Tĩnh cũng đã chỉ ra những vướng mắc, bất cập của Luật Công đoàn sau 10 năm thực hiện, đồng thời khẳng định, LĐLĐ Hà Tĩnh sẽ có góp ý lên cấp trên nhằm điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi Luật Công đoàn để tổ chức Công đoàn hoạt động thuận lợi, hiệu quả hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn