MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động mong muốn khi nghỉ việc có lương hưu cao hơn để đủ sống khi hết tuổi lao động. Ảnh: Nam Dương

Sửa Luật Bảo hiểm xã hội để người lao động có lương hưu cao hơn

Nam Dương LDO | 29/12/2023 07:34

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2022, cả nước có gần 5 triệu người lao động (NLĐ) nhận BHXH một lần và số người hưởng BHXH một lần năm sau luôn cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình khoảng 10%/năm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do lương hưu của NLĐ thấp, khiến họ không muốn tham gia BHXH lâu dài.

Tăng tỉ lệ hưởng lương hưu

Cuối năm 2018, sau 20 năm làm việc và đóng BHXH, khi đủ 55 tuổi, bà Minh Cầu (nhà ở phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TPHCM) nghỉ hưu. Khi biết hằng tháng sẽ nhận được lương hưu 1.675.000 đồng/tháng, bà Cầu ứa nước mắt... Sau nhiều lần điều chỉnh lương hưu, đến nay, bà Cầu được nhận chưa đầy 1,9 triệu đồng/tháng, vẫn còn thấp hơn chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 ở khu vực thành thị. Dù đã 60 tuổi, bà Cầu vẫn phải đi làm giúp việc để có thêm thu nhập sinh sống.

Theo BHXH TPHCM, tổng số người hưởng lương hưu trí trên địa bàn tháng 12.2023 là trên 234.000 người. Trong đó, số người hưởng lương hưu từ 5 triệu đồng trở lên là gần 154.400 người; từ 4 triệu đồng - 5 triệu đồng là gần 40.000 người; từ 3 triệu đồng - 4 triệu đồng là trên 24.500 người; từ 2 triệu đồng đến - 3 triệu đồng là gần 12.300 người. Đặc biệt, có tới gần 3.200 người đang hưởng lương hưu dưới 2 triệu đồng.

Nguyên nhân của tình trạng này là do quy định trong Luật BHXH 2014 đã khiến cho NSDLĐ tìm nhiều cách để “chẻ nhỏ” thu nhập của NLĐ, đóng BHXH thấp.

Ngoài ra, Luật BHXH 2014 đã điều chỉnh cách tính tỉ lệ để được hưởng mức lương hưu tối đa là 75% của lao động nữ từ 25 năm lên 30 năm và lao động nam từ 30 năm lên 35 năm.

Nhiều cán bộ công đoàn cho rằng, quy định này góp phần kéo giảm mức lương hưu của NLĐ, làm giảm động lực thu hút NLĐ ở lại với hệ thống an sinh xã hội và thích nhận BHXH một lần hơn vì lương hưu không đủ sống khi về già.

Vì vậy, dự thảo Luật BHXH sửa đổi (dự thảo) cần điều chỉnh hợp lý để mức lương hưu trong tương lai đảm bảo được mức sống của NLĐ.

Ông Trần Văn Triều - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật LĐLĐ TPHCM - kiến nghị: Dự thảo cần tăng tỉ lệ tính mức lương hưu hằng tháng để thu hút người tham gia BHXH, ở lại hệ thống an sinh. Cụ thể, nên quy định lao động nam có 20 năm đóng BHXH và lao động nữ có 15 năm đóng BHXH sẽ được hưởng tỉ lệ lương hưu là 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2,3%, mức tối đa bằng 79,5%.

Mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với NLĐ có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định bằng bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của 15 năm cuối thay vì toàn bộ thời gian. Như thế, NLĐ sẽ có lương hưu cao hơn.

Nâng cao tỉ lệ % tiền lương làm căn cứ đóng BHXH

Một nguyên tắc căn bản để tính lương hưu là căn cứ vào mức lương đóng BHXH hằng tháng của NLĐ, nói nôm na là mức đóng cao sẽ hưởng lương hưu cao.

Tại Điểm e, Khoản 1, Điều 30 dự thảo quy định: “Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố”.

Đại diện cơ quan BHXH TPHM đề nghị sửa đổi, bổ sung như sau: “Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của NLĐ” để phù hợp với định hướng tại Khoản 8, Mục III, Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương khoá XII về cải cách chính sách BHXH, cụ thể: “Sửa đổi quy định về căn cứ đóng BHXH của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của NLĐ để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ BHXH, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ BHXH và quyền lợi của NLĐ”.

BHXH TPHCM cho rằng, có thể quy định “Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc ít nhất bằng 70% tổng số tiền lương, thu nhập kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân” thì tổ chức thực hiện chính sách, quy định về BHXH sẽ đơn giản hơn và việc sử dụng dữ liệu giữa các cơ quan được thống nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn