MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn

Sửa Luật Đất đai: Cần phải quy định đất để xây nhà ở xã hội cho công nhân tại khu công nghiệp

Bảo Hân – Hải Nguyễn LDO | 24/03/2023 14:37

Sáng 24.3, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Vấn đề nhà ở xã hội dành cho công nhân trong khu công nghiệp được nhiều đại biểu đóng góp ý kiến. 

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thông qua Luật Công đoàn, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đã có quyền sử dụng đất khá lớn trên phạm vi cả nước để thực hiện nhiệm vụ chăm lo cho đại diện bảo vệ đoàn viên, người lao động.  

Bên cạnh đó, với chức năng được quy định tại Điều 10 Hiến pháp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang tích cực kiến nghị các chính sách liên quan đến nhà ở cho công nhân lao động. Đây là một trong những vấn đề bức xúc của người lao động, một trong những vấn đề quan tâm của Chính phủ, Quốc hội trong nhiệm kỳ này.  

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn 

Trên cơ sở tập hợp ý kiến gửi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, điều quan tâm nhất của đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn là làm thế nào có chính sách đất đai phù hợp, cùng với việc sửa đổi các luật khác để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, để người lao động có cơ hội có được nhà ở - một quyền căn bản được quy định trong Hiến pháp.  

“Trước hết, mong muốn của người lao động là được thuê hợp pháp với giá phù hợp; sau đó nhà được mua với giá phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của người lao động” – ông Ngọ Duy Hiểu nói và mong muốn hội nghị sẽ có những trao đổi giúp vấn đề nhà ở của công nhân phải được giải quyết căn cản, để đảm bảo quyền sống, quyền làm việc của người lao động.  

Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu. PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội - cho biết, hiện nay, 3 luật có liên quan chặt chẽ với nhau và tác động rất lớn đến thị trường bất động sản được sửa đổi cùng một lúc: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Đây là thời điểm vàng để 3 luật này được sửa đổi một cách đồng bộ, thống nhất.  

“Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch đất đai để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp, những người làm công ăn lương là rất mờ nhạt” – PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến nói.  

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cho biết, trong quy hoạch kế hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai 2013 quy định rất chung chung, không cụ thể về quy hoạch đất trong các khu công nghiệp mà phải dành ra phần để xây dựng nhà ở cho công nhân.  

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải quy định đất để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp; hình thức để cho công nhân có thể thuê với giá ưu đãi.

“Nếu quy định là mua thì tôi sợ là với thu nhập của mình, công nhân chưa đủ sức mua” - PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến góp ý.  

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn   

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp, không nên đặt vấn đề đấu thầu dự án có sử dụng đất mà nên có quy định tiếp cận đất đai bằng cách nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Ngoài ra, cần quy định rõ chủ thể được giao đất là ai, cho chủ đầu tư hay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam?  

“Tôi cũng đề nghị nếu trong dự thảo Luật Đất đai nếu chưa đưa ra được nguyên tắc thì nên có văn bản ở dưới hoặc nghị định của Chính phủ quy định riêng về tiếp cận đất đai, sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp. Đây là vấn đề bức xúc hiện nay, nếu không giải quyết được thì không đảm bảo được sự phát triển bền vững trong khu công nghiệp” – PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến nói.  

TS Đinh Thị Hoa – Phó Viện trưởng Viện Khoa học – Pháp lý (Bộ Tư pháp) cũng góp ý, quy hoạch sử dụng đất khu công nghiệp phải có tiêu chí về quỹ đất xây nhà ở xã hội dành cho công nhân. Cho rằng trong xây dựng nhà ở xã hội, nếu lựa chọn chủ đầu tư qua hình thức đầu thầu thì rất khó, TS Hoa đề xuất giao đất dưới hình thức chỉ định chủ đầu tư (có thể là Ban quản lý các Khu công nghiệp, chủ doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn