MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều bác sĩ cho rằng, việc dậy muộn có thể đảm bảo việc chuẩn bị bữa sáng - bữa quan trọng nhất trong ngày, đặc biệt với trẻ em (ảnh minh họa).

Tác động thế nào đến sức khỏe người dân?

THẢO ANH LDO | 04/11/2019 17:26

Đề xuất đổi giờ làm sang 8h30 và rút ngắn thời gian nghỉ trưa còn 1 tiếng mà đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đưa ra nhận được nhiều ý kiến phản hồi trái chiều. Trong đó, nhiều chuyên gia về sức khỏe lao động và bác sĩ ủng hộ đề xuất này vì có giá trị về mặt sức khoẻ cho công nhân viên chức, người lao động và học sinh.

Có nên đi học, đi làm từ 8h30?

Bác sĩ Đinh Thị Kim Liên - nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Bệnh viện Bạch Mai - cho rằng, đề xuất thay đổi giờ học, giờ làm sang 8h30 có ý nghĩa nhất định về mặt sức khoẻ. Bởi, giờ học sớm khiến nhiều cha mẹ không thể chuẩn bị bữa sáng trong khi đó là bữa quan trọng nhất cho hoạt động thể chất trong ngày. Hơn nữa, giấc ngủ buổi sáng của trẻ bị ảnh hưởng vì hiện nay phải đi học quá sớm.

“Tuy nhiên, xét tổng thể đề xuất này không có tác động lớn về sức khoẻ vì được bữa sáng mất bữa tối. Trong khi đó, y học khuyến cáo ăn tối sớm, tốt nhất không nên ăn sau 18-19h do buổi tối ăn no vận động ít tích tụ mỡ bụng, rối loạn mỡ máu và nhiều bệnh lý khác” - bác sĩ Kim Liên phân tích.

Về vấn đề này, tiến sĩ, bác sĩ Cao Thị Thu Hương - Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) - nói rằng, nếu đi làm muộn đồng nghĩa với việc kết thúc giờ làm việc muộn, cộng hưởng thêm yếu tố tắc đường dẫn đến ăn tối và đi ngủ muộn hơn. Trong khi đó, các nghiên cứu đều khuyến khích đi ngủ sớm, dậy sớm tốt hơn cho sức khoẻ. Thức khuya là nguyên nhân của một loạt bệnh lý và đặc biệt là cản trở việc phát triển chiều cao của trẻ em.

“Sở dĩ trẻ em thiếu ngủ vì thức khuya nhưng lại dậy sớm. Hơn nữa, hoóc môn sinh trưởng bài tiết trong giấc ngủ và khoảng thời gian tốt nhất cho quá trình này là từ 22-24h. Vì thế, điều cốt lõi để giải quyết gốc rễ là cha mẹ cho trẻ đi ngủ sớm và dậy sớm thay vì việc thức muộn, dậy muộn. Khi trẻ em ngủ trước 22h và dậy vào 6h sáng vẫn đảm bảo giấc ngủ ban đêm 8 tiếng. Cộng thêm thời gian ngủ trưa 2 tiếng, trẻ em có thể ngủ đủ 10 tiếng trong ngày, tốt cho quá trình phát triển thể chất và trí não “ - bác sĩ Thu Hương cho hay.

Theo bác sĩ Thu Hương, thời gian ăn sáng muộn hay sớm quá đều không tốt cho sức khoẻ. Hơn nữa, quan trọng nhất là dậy bao lâu thì ăn sáng chứ không phải thời gian ăn sáng. Bởi, khi chúng ta thức dậy, dạ dày ở trạng thái rỗng thì có thể uống nước trước để cân bằng nước trong cơ thể và sau 30 phút dùng bữa sáng.

Tuy nhiên, xét tổng hoà mọi phương diện, các chuyên gia trên cho rằng, đề xuất này thiếu khả thi và chỉ phù hợp một nhóm đối tượng trong bối cảnh chênh lệch nếp sống nông thôn - đô thị tại Việt Nam.

“Đồng bộ hoá thời gian đi học đi làm nhưng việc tổ chức đến trường, điều kiện xã hội chưa tương ứng. Tại Việt Nam, ngay cả ở các khu đô thị, phương tiện công cộng đưa đón học sinh đi học chưa phổ cập, an ninh không đảm bảo, không ai dám “đem con bỏ chợ”. Đề xuất này có thể phù hợp với nhóm đối tượng có con lớn, ở thành thị vì thảnh thơi giờ giấc nhưng nhóm đối tượng con nhỏ hoặc ở nông thôn lại không khả thi. Vì thế, đề xuất cần được nghiên cứu thận trọng hơn” - tiến sĩ Kim Liên nêu quan điểm.

Rút ngắn giờ nghỉ trưa: Chuyên gia, bác sĩ ủng hộ

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, một ngày chia làm 2 lần ngủ nghỉ “xả láng” ăn sâu tiềm thức thói quen lao động. Việc rút ngắn thời gian nghỉ trưa sẽ khiến 8 tiếng làm việc liền mạch hơn vì nghỉ trưa nhiều có thể khiến khí thế lao động giảm sút, lao động năng suất thấp.

Tiến sĩ, bác sĩ Cao Thị Thu Hương cũng cho rằng, ăn trưa và nghỉ ngơi 1 tiếng đã là nhịp làm việc của các nước tiên tiến trên thế giới từ rất lâu. Họ chỉ ăn nhẹ trong vòng 20 - 30 phút và có một giấc ngủ ngắn, hay nói cách khác là nhắm mắt thư giãn để não bộ nghỉ ngơi. Vấn đề không phải thời gian nghỉ trưa mà là cách sử dụng thời gian. Việc rút ngắn thời gian nghỉ trưa còn hạn chế được thói quen có hại cho sức khoẻ như nhậu nhẹt, ăn uống quá đà.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) - cho biết, ngủ trưa rất quan trọng. Tuy nhiên, chỉ cần 20 - 30 phút ngủ trưa mỗi ngày, não bộ sẽ được nạp đầy năng lượng, giúp tăng cường trí nhớ, cải thiện tâm trạng, tăng tư duy sáng tạo và tăng hiệu quả làm việc.

Cũng theo tiến sĩ Hải, nên ngủ trưa nhưng đừng ngủ trưa quá nhiều. 30 phút đầu tiên của giấc ngủ trưa có thể đạt tương đương khoảng 60 phút của giấc ngủ về đêm. Tuy nhiên, với giấc ngủ trưa quá lâu, hơn 1 giờ, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái ngủ sâu. Lúc đó, nếu bị đánh thức hay buộc phải thức dậy, bạn sẽ cảm thấy nhức đầu, mệt mỏi, đờ đẫn… do các cơ quan trong cơ thể chưa sẵn sàng làm việc lại.

Đề xuất đổi giờ làm được đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) kiên trì nêu 2 năm nay tới Quốc hội. Trước đó, vào kỳ họp giữa năm 2017, ông Cảnh đề xuất nên điều chỉnh giờ làm việc của công chức khối hành chính dịch vụ công và khối giáo dục công lập ở các đô thị trên khắp cả nước từ 8h30, kết thúc lúc 17h, nghỉ trưa 1 tiếng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn