MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tác nghiệp và cứu trợ ở vùng lũ

Lê Như Giang LDO | 23/05/2022 15:00
Tại vùng ĐBSCL, bên cạnh Chương trình Chỗ trọ miễn phí cho thí sinh thi đại học, hoạt động xã hội từ thiện của Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động còn triển khai nhiều đợt cứu trợ người dân vùng lũ trong những năm lũ lớn. Năm 2000, tôi và các đồng nghiệp - kể cả ở Văn phòng miền Trung - đã tham gia tác nghiệp và cứu trợ nhiều đợt. Quá trình tham gia hoạt động thiết thực và hiệu quả này, có nhiều kỷ niệm tuy không phải là những điều lớn lao, song vẫn đọng lại mãi trong ký ức…
Nhà báo... quỵt tiền đò (!)

Tôi nhờ các anh ở LĐLĐ huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) thuê một chiếc ghe để đi huyện Tân Hồng vì cầu bắc qua kênh Thống Nhất đã bị gãy. Lúc rời ghe lên huyện làm việc, tôi dặn anh lái đò rõ to: “Đúng 13 giờ ta quay về Hồng Ngự”. Anh lái đò vui vẻ: “Yên chí, yên chí. Anh cần là em có mặt”. Vậy mà trở lại đò tôi chờ suốt một giờ, anh lái đò vẫn biệt vô âm tính. Không thể trễ giờ hẹn làm việc với các anh ở Hồng Ngự, tôi quyết định… bỏ ghe đi xe ôm ra Hồng Ngự. Làm việc ở Hồng Ngự xong, tôi “bay” về thị xã Cao Lãnh ngay trong đêm (sau khi gửi lại tiền thuê đò nhờ các anh ở LĐLĐ huyện chuyển trả giùm). Buổi tối, anh Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện gọi điện thoại cười hể hả, kể rằng: “Báo hại, anh làm tay lái đò… xanh máu mặt vì sợ bị nhà báo quỵt tiền. Ra tới đây, anh chàng chạy ào vào hỏi thăm ông nhà báo còn ở đây không. Nhận được tiền thuê đò, anh chàng mới hoàng hồn, “phán”: “Cha này nhà báo thiệt!”.

Đi xe ôm, tôi cũng phải qua đò đoạn cầu gãy, lại liên tục bị hất lên giằng xuống bởi những “hố voi” đầy nước ê ẩm cả người. Vậy mà suýt nữa phải mang tiếng nhà báo… quỵt tiền đò!

Ra sông với... tay chèo nhí

Tại xã biên giới Thường Phước 2 (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp), đứng trên bờ đất lở nhìn ra dòng nước cuồn cuộn chảy xô từng chập vào mấy căn nhà lá đã ngập quá nửa, tôi nhìn thấy mấy cánh tay đưa ra vẫy vẫy. Làm thế nào để ra thăm hỏi khi mà nếu rớt xuống sông tôi sẽ… chìm như một bao cát (vì nhà báo không biết bơi). Nhìn dáo dác, chẳng thấy chiếc ghe nào đưa khách sang sông. Hỏi thăm một lúc, tôi mới “tóm” được một cậu bé chừng 11 - 12 tuổi xung phong đưa nhà báo ra sông trên chiếc xuồng ba lá mỏng manh. Xuồng bị nước đẩy cứ chông chênh chồng chềnh. Cậu bé bậm môi gắng sức với cây dầm dài gấp ba thân người, còn tôi thì bắt đầu… run với nỗi sợ sẽ phải… hiến xác cho thủy thần. Cuối cùng, tay chèo nhí cũng đưa được nhà báo “đi tới nơi về tới chốn”.

Chuyến ra sông vừa run vừa lấy tài liệu, chụp ảnh thành công bất ngờ. Nắm được những chi tiết khá điển hình và hai tấm ảnh ‘đi” trang 1. Nhưng ngay sau đó thì tôi phải… tạm ứng “bà nhà” nhuận bút hai tin để mua chiếc áo phao…

“Chuyện tế nhị” giữa phố ngập lũ

Sau chuyến đi cứu trợ ở An Giang, tôi quay sang Đồng Tháp để nắm thêm tình hình. Buổi tối, tôi đi “xuồng dịch vụ” vô khu tập thể Báo Đồng Tháp ở thị xã Cao Lãnh thăm gia đình các đồng nghiệp. Xuồng vô tới nơi, trước mắt tôi dãy nhà 10 căn chỉ 2 căn có ánh sáng đèn. Anh M.T.M - một trong hai hộ còn bám trụ - sau mấy phút tay bắt mặt mừng, kể: “Nước tràn vô nhà ngập tới đầu gối đã hơn tuần nay. Chịu hết thấu, nhiều hộ đã di dời ra nương náu nhà bè bạn ở những con đường ngập ít hơn. Một trong những nỗi khổ là nhà vệ sinh bị ngập. Có thể nói gần như toàn bộ nhà trệt ở thị xã Cao Lãnh đã lâm vào tình trạng oái oăm này”. “Thế những gia đình còn gồng mình ở lại những căn nhà ngập nặng giải quyết “chuyện tế nhị” này bằng cách nào?” - tôi hỏi.

Những người ý thức được chuyện dịch bệnh và vấn đề vệ sinh môi trường mùa lũ - như gia đình anh bạn tôi - thì hàng ngày phải chèo xuồng “đi” nhờ những nhà, cơ quan có lầu hoặc còn ngập nhẹ. Chiếc xuồng quả là loại phương tiện vô cùng cần thiết đối với vùng lũ, không chỉ bà con nghèo mới cần đến nó làm phương tiện đi lại và “chiếc cần câu cơm”.

Xe Zil chạy bằng... đèn pin

Chiếc Zil 2 cầu của LĐLĐ tỉnh Kiên Giang chở gạo của Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động rời thị trấn Kiên Lương về Rạch Giá lúc trời vừa sập tối. Xe chạy được một quãng, bỗng dừng lại đột ngột. Mọi người trên xe nhìn nhau, chưa rõ chuyện gì. Bác tài bước xuống thông báo: “Cả hai bóng đèn của xe đều bị cháy!”. May là đang giữa khu dân cư nên mua được ngay hai bóng đèn để thay. Xe tiếp tục đi về hướng Rạch Giá. Chạy được mươi phút, bóng đèn lại cháy! Hai phóng viên Báo Lao Động (Trần Đăng và Lê Như Giang) nhìn nhau… ê ẩm vì kế hoạch về Cần Thơ ngay trong đêm khó có thể thực hiện. Ai đó trên xe buông một tiếng thở dài: “Có thể đêm nay ngủ dọc đường”, càng làm cho chúng tôi nẫu ruột thêm. Trong lúc mọi người… méo mặt nhìn nhau thì chị Phù Nguyệt Lượng - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Kiên Giang - quyết định: “Mua ngay hai đèn pin loại lớn để thay đèn xe…”. Thế là chiếc xe lại nổ máy tiếp tục cuộc hành trình với hai người đứng ở hai đầu thùng xe cầm đèn pin soi đường. Chiếc xe Zil khó nhọc “nuốt” từng kilômét đường bị ngập sâu dưới ánh đèn pin vàng vọt.

23 giờ đêm chúng tôi mới đến được Rạch Giá. Chị Phù Nguyệt Lượng dặn bác tài: “Phải lo sửa ngay đèn xe. 5 tấn gạo của Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động đang đợi cậu đấy!”. Bác tài “dạ” một tiếng rõ to rồi biến vào bóng đêm…

 
 

Gạo là số một

Trong lúc bà con vùng lũ xã Thoại Giang (huyện Thoại Sơn, An Giang) đang nhận gạo từ Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động, bỗng vang lên giọng đàn ông: “Sao không phát tiền? Có tiền mua gì cũng được”. Liền sau đó, cánh phụ nữ nhao nhao phản đối. Có người nói: “Tiền bạc gì, cứu trợ gạo là tốt nhất. Không có chuyện gì làm, có tiền buồn tình mấy ông lại rủ nhau đi nhậu thêm khổ vợ con”. Nhiều tiếng đồng tình lại rộ lên. Không nghe người đàn ông đề nghị cứu trợ bằng tiền… buông ra câu nào nữa.

Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Thoại Sơn Mai Chí Thỏa - cùng đi trong đoàn cứu trợ - nhận định: “Cũng có một ít người muốn nhận tiền, nhưng phần lớn bà con đều muốn nhận gạo. Lúc này cầm tiền trong tay chưa chắc mua được tất cả những thứ thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày. Có gạo là cầm chắc khỏi sợ đói, chịu khó một chút là có thêm con cá, cọng rau đủ cho bữa ăn. Ở đâu, lúc nào cánh chị em cũng lo xa và chu đáo hơn cánh đàn ông”…

Nhà báo không... thua nghiệp đoàn viên

Tại xã Thoại Giang (huyện Thoại Sơn, An Giang), việc cứu trợ gạo phải diễn ra ngay trên sông. 80 người trực tiếp nhận gạo đều phải lội bì bõm ra ghe sau khi nhận phiếu tại trụ sở UBND xã. Vác 40kg gạo (mỗi bao 20kg) lội nước ngập quá đầu gối không phải là chuyện dễ. Có người 2 bao gạo đã nằm gọn trên vai, nhưng loay hoay mãi vẫn chưa bước lên được chiếc cầu khỉ bắc tạm để đi lên một thẻo đất lấp xấp nước đã ken kín người và người. Có tiếng gọi nhau í ới: “Lội luôn, đi trên cầu càng dễ té”.

Bấm máy ghi xong mấy kiểu ảnh, nhìn thấy một cụ già đang chấp chới với 40kg gạo trên vai, tôi băng vội ra vác hộ. Với biệt danh “anh Hai già” mà anh chị em ở Văn phòng Đại diện Báo Lao Động ở ĐBSCL thường gọi thân mật, sức khỏe của tôi không thuộc loại… ngon lành. Vác một kiện vải từ trên xe tải vào Văn phòng, khi đặt xuống đã hơn một lần tôi suýt… lăn đùng cùng kiện hàng. Ấy nhưng, không hiểu sao lúc đó vác 2 bao gạo trên vai tôi vẫn lội nước băng băng. Anh Mai Chí Thỏa - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Thoại Sơn - phải buộc miệng động viên: “Nhà báo khỏe không thua gì anh em nghiệp đoàn viên bốc vác ở huyện chúng tôi…”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn