MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động cần được làm việc trong một môi trường an toàn. Ảnh minh họa. Ảnh: Quế Chi

Tai nạn lao động chết người: Không được phép thỏa thuận dân sự

Bảo Hân - Anh Thư LDO | 27/05/2020 11:26
Bình luận về việc nếu chủ sử dụng lao động tìm cách thỏa thuận dân sự với người nhà nạn nhân bị chết vì tai nạn lao động, một chuyên gia về an toàn lao động thuộc Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, điều này là không đúng pháp luật.

“Pháp luật quy định trong những trường hợp người lao động bị tử vong thì phải có điều tra tai nạn lao động, xác định lỗi của ai để từ đó đưa ra các chế độ bồi thường và trợ cấp tai nạn lao động theo đúng quy định. Người sử dụng lao động không được phép tự thỏa thuận, bồi thường theo kiểu dân sự. Hơn nữa, không loại trừ được việc có thể không phải là một vụ tai nạn mà là một vụ án mạng chẳng hạn. Vì vậy, cần có cơ quan điều tra vào cuộc xác định, kết luận”- chuyên gia này cho biết.

Ông Đặng Văn Khánh – Trưởng phòng Bảo hộ Lao động (Ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng cho biết, luật không cho phép chủ sử dụng lao động thỏa thuận dân sự với người nhà nạn nhân bị chết do tai nạn lao động. “Khi xảy ra ra tai nạn lao động, nhất là những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người thì doanh nghiệp phải khai báo nhanh nhất đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động, nghiêm cấm che giấu khai báo hoặc khai báo không đúng sự thật” – ông Khánh nói.

Ông Khánh cho rằng, việc cấp cứu người bị nạn vẫn phải triển khai thực hiện, nhưng hiện trường phải được giữ nguyên để phục vụ công tác điều tra vụ việc. Cơ quan công an sẽ xác định nguyên nhân chết, xem có dấu hiệu hình sự hay không. Sau khi tiến hành xong các thủ tục pháp y thì mới bàn giao cho gia đình để mai táng.

Cũng trao đổi về việc này, ông Nguyễn Anh Thơ – Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, theo quy định của pháp luật, khi xảy ra vụ tai nạn lao động có người chết tại nơi làm việc thì chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm báo cáo lên cơ quan chức năng. Từ báo cáo nhanh, cơ quan chức năng tiến hành các bước điều tra, từ đó, trách nhiệm các bên sẽ được xác định.

Về vụ việc một nam công nhân bị tai nạn lao động rơi từ công trình nhà cao tầng tại TP.Đà Nẵng tử vong và đang được đưa về nhà tại Huế bằng ôtô, ông Thơ cho rằng: “Việc người sử dụng lao động hay người quản lý có trách nhiệm phối hợp với gia đình, thân nhân người bị nạn để hỗ trợ, lo hậu sự là phần trách nhiệm và còn là đạo lý. Tuy nhiên, chủ sử dụng phải tuân thủ toàn bộ quy định để cơ quan điều tra tiến thành các bước tiếp theo”.

Năm 2019, toàn quốc đã xảy ra 8.150 vụ tai nạn lao động làm 8.327 người bị nạn. Đặc biệt, số người chết do tai nạn lao động giảm. Trong đó, số vụ tai nạn lao động chết người là 927 vụ (khu vực có quan hệ lao động: 572 vụ; khu vực người lao động làm việc không theo hợp động lao động: 355 vụ); số người chết vì tai nạn lao động là 979 người (khu vực có quan hệ lao động: 610 người; khu vực người lao động làm việc không theo hợp động lao động: 369 người); số người bị thương nặng là 1.892 người; nạn nhân là lao động nữ là 2.771 người.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn